Phát triển 'Thái Nguyên số, Thái Nguyên xanh và Thái Nguyên hạnh phúc'
Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025. Đề án tập trung vào 5 mũi đột phá trong công tác chuyển đổi số tạo lợi thế cạnh tranh mới cho tỉnh.
Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng với chỉ đạo tích cực của cấp ủy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân Thái Nguyên đã cơ bản đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần hiện thực hóa thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 6,5% (cao hơn so với bình quân chung cả nước); thu ngân sách ước đạt 19.680 tỷ đồng, bằng 122% so với dự toán Trung ương giao; chỉ số giá trị xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 5 toàn quốc (với giá trị đạt gần 27,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ); giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; GRDP bình quân đầu người đạt 119,2 triệu đồng, bằng 96,91% kế hoạch, tăng 5,86% so với năm 2023.
Công tác thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn tỉnh có 22 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 518,54 triệu USD, 20 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 80,44 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 215 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 10,92 tỷ USD.
Toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới bằng 93,7% tổng số xã. Dự kiến đến hết năm 2024, có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Thành tựu về phát triển của Thái Nguyên trong thời gian qua là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó bắt nguồn từ những quyết sách mang tính đột phá của tỉnh, đó là quan tâm phát triển hạ tầng giao thông mang tính liên kết, kết nối vùng, hoàn thiện hạ tầng số băng thông rộng, không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
Đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, Thái Nguyên đã sớm nắm bắt cơ hội để kiến tạo và phát triển, được coi là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này.
Sau gần 4 năm thực hiện, Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành 15/15 mục tiêu chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong quá trình chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên từ chỗ đứng thứ hơn 40 cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, thì sau khi Nghị quyết số 01 đi vào cuộc sống đã đưa Thái Nguyên có tên trên bản đồ chuyển đổi số Quốc gia: Năm 2020, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá Chỉ số chuyển đổi số Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Đến nay, Thái Nguyên đã 2 năm liên tiếp xếp thứ 8/63; là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số; tỷ trọng giá trị gia tăng kinh tế số trong GRDP năm 2023 là 31,4% đứng thứ 3 toàn quốc; Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 2; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 2; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp với phương châm Tám chữ: Ổn định; Kế thừa; Đổi mới; Phát triển. Cùng với đó, định hướng phát triển tỉnh sẽ tập trung vào 03 đột phá: Hạ tầng; Phát triển nhân lực; Xây dựng thể chế. Theo đó, về hạ tầng giao thông, tỉnh đang tiếp tục đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đầu tư hoàn chỉnh các tuyến: Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, đường liên kết vùng Thái Nguyên - Tuyên Quang; đường Vành đai V theo quy hoạch; Các tuyến quốc lộ: Quốc lộ 37; Quốc lộ 1B; Quốc lộ 3C; Quốc lộ 17. Về hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư xây dựng theo hướng khu công nghiệp thông minh (giám sát an ninh, lưới điện thông minh, giám sát môi trường kết nối về môi trường, kết nối hệ thống dịch vụ hành chính công nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, kết nối trung tâm tuyển dụng, kết nối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp,…).
Cùng với đó, nhằm quán triệt sâu sắc những quan điểm đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025.
Đề án tập trung vào 05 mũi đột phá trong công tác chuyển đổi số tạo lợi thế cạnh tranh mới cho Thái Nguyên so với các địa phương khác gồm: (1) Là một trong các tỉnh thành có chất lượng kết nối mạng tốt nhất Việt Nam; (2) Trở thành trung tâm dữ liệu của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; (3) Có chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất Việt Nam; (4) Có dữ liệu số tốt nhất Việt Nam; (5) Phổ cập năng lực số toàn dân để nâng cao mức sống và thu nhập của người dân.
Có thể nói, những kết quả trong phát triển kinh tế – xã hội và chuyển đổi số ở tỉnh Thái Nguyên đã góp phần không nhỏ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển của tỉnh.
Năm 2025 và những năm tiếp theo, Thái Nguyên sẽ tiếp tục tiên phong, nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển “Thái Nguyên số, Thái Nguyên xanh và Thái Nguyên hạnh phúc”.
Theo Xuân Hòa (Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên)