Phát triển thành công nhựa sinh học có thể sản xuất hàng loạt
Nhóm nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát triển một loại nhựa sinh học mới, không chỉ bền mà còn phân hủy nhanh chóng trong nước biển và có thể sản xuất hàng loạt. Theo báo cáo đăng tải trên tạp chí khoa học Mỹ ACS Sustainable Chemistry and Engineering, các nhà khoa học tại Đại học Kobe và một số tổ chức khác đã phát hiện loại nhựa sinh học mới được làm từ axit polylactic, một loại polyester có nguồn gốc từ tinh bột như mía và bắp (ngô).
Axit polylactic, còn được gọi là polylactide, đã thu hút sự chú ý như một vật liệu thay thế cho nhựa từ dầu mỏ, nhưng vật liệu này giòn, khó tạo khuôn và hòa tan. Các nhà khoa học sau đó đã phát triển một loại polylactide có khả năng phân hủy có tên gọi LAHB, nhưng khó sản xuất hàng loạt.
Để khắc phục những hạn chế đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một loại vi khuẩn được gọi là dehydrogenase lactate có khả năng sản xuất nhựa, và thông qua việc biến đổi gene, nhóm đã có thể sản xuất hàng loạt LAHB. Bản thân LAHB có màu trắng đục, nhưng nhóm nghiên cứu phát triển loại nhựa mới đạt được vẻ ngoài trong suốt, điển hình bằng cách thêm một lượng nhỏ LAHB vào axit polylactic thông thường. Phát hiện mới này mang lại hy vọng về triển vọng giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở các đại dương trên thế giới.