Phát triển thành phố hướng ra sông Hồng
Với mục tiêu hướng ra sông Hồng để phát triển khu đô thị sinh thái, tạo trục không gian, hành lang quan trọng kết nối phía bắc và phía nam sông Hồng, khai thác hiệu quả đất đai vùng đất bãi, thành phố Hà Nội đang tập trung hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực hai bên sông Hồng đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở có chiều dài khoảng 40 km, diện tích khoảng 11 nghìn héc-ta, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã, thuộc bảy quận và sáu huyện. Số dân ước tính theo quy hoạch từ 280 nghìn đến 320 nghìn người. Đây là vùng đất đai rộng lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội, nhưng do chưa có quy hoạch, cho nên nhiều năm qua không ít dự án phát triển nhà ở, du lịch, dịch vụ không thể triển khai.
Giải tỏa bức xúc của người dân ngoài đê
Theo khảo sát của chúng tôi tại các phường Ngọc Thụy, Bồ Đề, Ngọc Lâm (quận Long Biên); Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) hay Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai)…, khu vực ngoài đê còn nhiều diện tích đất trống bỏ hoang lãng phí, thường xuyên trở thành địa điểm đổ trộm phế thải xây dựng, rác thải gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp. Cơ sở hạ tầng xuống cấp. Nhà cửa của người dân tạm bợ trong khi có nhu cầu cải tạo, xây dựng nhà ở để cải thiện chỗ ở thì gặp nhiều vướng mắc trong việc xin giấy phép xây dựng. Chính quyền cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý, đầu tư cải tạo, xây dựng các công trình công cộng…
Theo đại diện UBND phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, trên địa bàn phường có 370 ha đất, với hơn 11 nghìn nhân khẩu sinh sống ở khu vực ngoài đê sông Hồng. Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn do nhà cửa xuống cấp, nhưng không được phép xây dựng. Mỗi khi mùa mưa bão đến, chính quyền lại thấp thỏm lo âu. Người dân rất bức xúc về vấn đề này và mong muốn các cơ quan chức năng sớm trả lời cho người dân biết việc tạm dừng cấp phép xây dựng đến khi nào chấm dứt.
Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165 ha, được định hướng cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có, tương đương khoảng 60 ha, để bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ giãn dân, tái định cư tại chỗ.
Các khu vực dân cư Thượng Cát - Liên Mạc, Đông Ngạc - Nhật Tảo, Nhật Tân - Tứ Liên, khu vực dân cư các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Võng La - Hải Bối, Tàm Xá, Ngọc Thụy, Đông Dư - Bát Tràng theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 được tồn tại. Các khu dân cư trong không gian thoát lũ tại các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cũng được đưa vào danh mục tồn tại. Riêng khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề, thuộc diện phải di dời theo Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016).
Phát triển đô thị theo hướng thuận thiên
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là đồ án đặc biệt của thành phố Hà Nội, thuộc địa bàn các quận, huyện nhiều năm chưa có quy hoạch, liên quan đến khu vực đê, vùng thoát lũ. Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu nhiều quy hoạch, có những đồ án được sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, nhưng thiếu tính khả thi. Khó khăn lớn nhất của quy hoạch là làm sao vừa khai thác quỹ đất hai bên bờ sông, vừa bảo đảm an toàn đê điều.
Trong lần quy hoạch này, thành phố đặt ra định hướng kiên quyết là phải “thuận thiên”, bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ dòng chảy sông Hồng, cảnh quan hai bên với sự phát triển đô thị. Xây dựng các phương án phòng, chống lũ là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Những giải pháp phòng, chống lũ trong quy hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá phù hợp trong không gian thoát lũ theo Quyết định số 257 của Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá về đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là phân khu đô thị quan trọng nhất của Thủ đô Hà Nội, là trục cảnh quan có ý nghĩa đặc biệt, dòng chảy gắn liền với lịch sử một thành phố, một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Dương Đức Tuấn, quy hoạch giúp thành phố quay mặt ra sông Hồng để tạo một trục không gian, hành lang xanh quan trọng. Thành phố sẽ xây dựng khu vực này thành một đô thị sinh thái, kết nối phía bắc và nam sông Hồng. Đây cũng là những giá trị đặc thù, không gian riêng và là nội dung chính của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tương lai.
Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng liên quan đến nhiều bộ, ngành. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời thành phố, trên cơ sở đồng thuận cao, song yêu cầu tuân thủ phương án phòng, chống lũ. Thời gian tới, UBND thành phố xin ý kiến của Bộ Xây dựng, sau đó báo cáo Thành ủy, tiếp đó sẽ thực hiện phân cấp theo thẩm quyền. Dự kiến, cuối năm 2021, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được phê duyệt.