Phát triển thể dục thể thao vùng đồng bào dân tộc

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án… không những đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch khu để phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao (TDTT). Thời gian qua, ngoài việc đầu tư trang thiết bị, khu TDTT, huyện Long Phú (Sóc Trăng) còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tập luyện, rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc ngày càng phong phú, lành mạnh.

Số lượng người tham gia tập luyện TDTT hàng năm tăng đáng kể, sân bãi phục vụ nhu cầu tập luyện được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều… điều này có thể dễ dàng bắt gặp khi có dịp đến các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn huyện Long Phú.

Ông Diệp Đăng Khoa - Phó Giám đốc Trung tâm Thể thao huyện Long Phú chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, hoạt động TDTT ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện như: xã Long Phú, thị Trấn Long Phú, Tân Hưng, xã Trường Khánh… đã phát triển hơn trước. Nếu trước đây, bà con ở các xã này chỉ tập trung cải thiện thu nhập, thì ngày nay, bà con đã quan tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện sức khỏe thông qua tập luyện TDTT. Ngoài các môn thể thao truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, cờ ốc… ở những địa phương này thời gian qua còn thu hút được nhiều người tham gia môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn và đặc biệt là môn bi sắt luôn được bà con Khmer quan tâm phát triển rộng khắp, từ trường học đến sân chùa, quán cà phê… trong từng phum sóc đồng bào Khmer đều phát triển môn bi sắt”.

Các câu lạc bộ tổ chức giao lưu bi sắt. Ảnh: CHANH THA

Các câu lạc bộ tổ chức giao lưu bi sắt. Ảnh: CHANH THA

Đến với xã Long Phú, điều dễ gây chú ý nhất là những khoảnh đất trống có rất nhiều người chơi bi sắt, thậm chí có sân bi sắt người dân tự làm tại nhà. Những cuộc tranh tài diễn ra rất hào hứng, đôi khi rất căng thẳng, với những bi thủ đủ mọi lứa tuổi, từ thanh niên, trung niên đến cả những người tuổi đã lục tuần… Một trong những bi thủ yêu thích bộ môn bi sắt và góp phần tạo nên thành tích tốt cho ngành TDTT huyện Long Phú, anh Huỳnh Văn Siêng, ở ấp Nước Mặn II, xã Long Phú (Long Phú), bộc bạch: “Chơi thể thao không chỉ là hoạt động vui chơi giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi, mà còn là cách rèn luyện sức khỏe rất bổ ích. Ngoài thanh, thiếu niên, người già và trẻ em ở đây giờ ai cũng chọn cho mình một hình thức luyện tập TDTT phù hợp, nhằm nâng cao sức khỏe, đồng thời còn tổ chức giao lưu, gặp gỡ, học hỏi trong thi đấu giữa các phum sóc khác, góp phần bảo tồn và phát triển bộ môn thể thao truyền thống của dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phong phú và lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội…”.

Ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú là ấp có đến trên 99% hộ đồng bào Khmer sinh sống. Thời gian qua, thị trấn Long Phú đã ưu tiên tập trung nhiều nguồn lực để phát triển TDTT ở vùng này. Anh Nguyễn Thanh Vân - công chức phụ trách văn hóa - xã hội thị trấn Long Phú, chia sẻ: “Ở các ấp như ấp Tư và ấp Khoan Tang có đông đồng bào Khmer sinh sống, ngoài tập trung phát triển TDTT quần chúng trong các địa bàn dân cư, Đảng ủy, UBND thị trấn còn đẩy mạnh phong trào TDTT trong các trường học. Nhờ đó, số người tham gia tập luyện thường xuyên, số gia đình thể thao hay câu lạc bộ thể thao tăng dần hàng năm”.

Ở những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã linh hoạt vận động bà con cùng tham gia tập luyện, giao lưu thi đấu thể thao thường xuyên. Hệ thống giải đấu ở từng địa phương được hình thành và duy trì đều đặn hàng năm, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống, trong đó đặc biệt quan tâm đến các môn thể thao dân tộc như: đẩy gậy, kéo co, cờ ốc, đua ghe ngo, bi sắt…

CHANH THA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/phat-trien-the-duc-the-thao-vung-dong-bao-dan-toc-58136.html