Phát triển Thể thao Việt Nam (Bài 2): Đồng nhất hệ thống đào tạo VĐV
Nhiều năm trở lại đây, ngành TDTT đã triển khai kế hoạch liên thông các kỳ Đại hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các mục tiêu được đặt ra. Trong đó, Đại hội Thể thao toàn quốc được xem là nét mở đầu cho các kỳ SEA Games, ASIAD và Olympic.
Tạo sự đồng nhất giữa các cấp độ giải quốc tế
Công tác đào tạo VĐV luôn là một trong những yếu tố quan trọng giúp mang lại thành tích cho mỗi nền thể thao quốc gia. Trong đó, sự liên thông trong hệ thống đào tạo được xem là then chốt giúp nâng cao thành tích trên trường quốc tế.
Với Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, ngành TDTT đã triển khai kế hoạch liên thông SEA Games, ASIAD và Olympic. Trong đó, SEA Games được xác định "bàn đạp" để hướng tới ASIAD và Olympic. Theo đó, việc chuẩn bị lực lượng cho mỗi kỳ Thế vận hội luôn được tính toán từ sớm nhằm giúp các VĐV được duy trì thi đấu, cọ xát, nâng cao thành tích ở các giải đấu khu vực, châu lục.
Với SEA Games và ASIAD, đây cũng là hai Đại hội có tầm quan trọng nằm trong chiến lược thể thao của ngành thể thao Việt Nam. Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ, trong giai đoạn mới, tư duy phát triển của thể thao Việt Nam sẽ thay đổi với phương châm lấy ASIAD làm trọng tâm để vươn tầm Olympic và SEA Games sẽ đóng vai trò là bàn đạp để thể thao Việt Nam tiến ra "biển lớn".
Cần phải khẳng định rằng, SEA Games vẫn là một trong những mục tiêu quan trọng của thể thao Việt Nam với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm, đồng thời cũng là đấu trường rèn luyện cho các VĐV trẻ. Về quan điểm cho các VĐV trẻ dự SEA Games để cọ xát, đây là ý kiến được giới chuyên môn đánh giá cao.
Trong hai kỳ Đại hội vừa qua, các đội tuyển của Việt Nam đều giữ một công thức chung là kết hợp giữa các VĐV có kinh nghiệm song hành cùng các VĐV trẻ. Điều này giúp cho những VĐV trẻ có cơ hội học hỏi, cọ xát, phát triển về mặt chuyên môn. Thông qua những lần thi đấu thực tế với những đối thủ mạnh đến từ các quốc gia trong khu vực, VĐV trẻ sẽ có được sự chuẩn bị để hướng đến những giải đấu cao hơn. Tuy nhiên, hướng sự tập trung tới ASIAD, Olympic không có nghĩa rằng ngành Thể thao "bỏ không" SEA Games.
Tại Quyết định số 1189/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký ngày 15/10/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ 2 mục tiêu của 2 giai đoạn lần lượt là đến năm 2030, duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD; Trong đó, phấn đấu đạt từ 5 đến 7 huy chương vàng tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, Bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và Bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á; Và đến năm 2045, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic; Bóng đá nam trong tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; Bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Chiến lược cho thấy sự liên kết chặt chẽ, có tính bổ trợ giữa SEA Games – ASIAD – Olympic. Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, SEA Games vẫn là sân chơi trọng tâm của thể thao Việt Nam.
Dĩ nhiên, ngành Thể thao không dành tất cả nguồn lực cho SEA Games. Nguồn lực phải phân phối hợp lý, trong đó, chú trọng đặc biệt tới định hướng ASIAD và Olympic. Đây là đích đến quan trọng được thể hiện rõ trong chiến lược của thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Cũng theo ông Đặng Hà Việt, thông qua thành tích ở SEA Games, ngành Thể thao sẽ có được những đánh giá bước đầu về thực lực, năng lực của các VĐV, đặc biệt với nhóm các môn ở ASIAD và Olympic. Từ đó, tiến hành sàng lọc và có chiến lược đầu tư phù hợp nhằm phát triển thành tích trong tương lai.
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, việc tranh chấp thành tích trên đấu trường ASIAD của các VĐV Việt Nam chưa thực sự đạt và duy trì sự ổn định về thành tích. Thực tế cho thấy, mặc dù tại các kỳ SEA Games, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí và sự tiến bộ về thành tích nhưng tại đấu trường ASIAD, chúng ta vẫn chưa có được sự ổn định và đảm bảo về thành tích đặc biệt là khi so sánh với những nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia khi các quốc gia này luôn đảm bảo được số lượng và chất lượng của lực lượng VĐV tham dự.
Thành công tại SEA Games được xem là yếu tố giúp Thể thao Việt Nam định hình và tạo "bàn đạp" hướng tới ASIAD. Trong định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, VĐV thi đấu các môn thi đấu tại ASIAD đều nằm trong ba nhóm được quy hoạch, phân nhóm môn thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng giành HCV.
Đại hội Thể thao toàn quốc là nét mở đầu
Tại Hội triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 12/11 vừa qua, các chuyên gia, nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng đã đóng góp những tham luận, ý kiến quan trọng với công tác triển khai thực hiện Chiến lược. Trong đó, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, ngành TDTT cần có sự liên thông trong việc đào tạo VĐV từ Đại hội Thể thao toàn quốc tới SEA Games, ASIAD và Olympic. Như vậy, chương trình thi đấu từ cấp Đại hội Thể thao cần được điều chỉnh một cách thiết thực, trở thành nét mở đầu cho Chiến lược.
Với chu kỳ 4 năm/lần, Đại hội Thể thao toàn quốc với sự tham gia của 65 tỉnh, thành, ngành luôn được xem là bước đệm quan trọng của Thể thao Việt Nam trong việc tìm ra các tài năng thể thao nhằm bổ sung lực lượng tham gia tranh tài tại các đấu trường quốc tế như ASIAD, Olympic.
Thực tế, trong thời gian qua, TP. HCM với tư cách là đơn vị đăng cai đã có nhiều buổi làm việc, báo cáo với lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT về công tác chuẩn bị cho Đại hội, trong đó, chú trọng vào số lượng, phân nhóm các môn tổ chức.
Trong đó, dự kiến sẽ đưa 42 môn thể thao vào thi đấu tại Đại hội. Những môn thể thao này được phân thành 3 nhóm gồm: nhóm môn Olympic; nhóm môn ASIAD; nhóm môn SEA Games và các môn thể thao truyền thống, dân tộc được nhiều địa phương trên cả nước tập luyện.
Ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở VHTT TP. HCM cho biết, Đại hội Thể thao toàn quốc là cơ hội giúp tập trung các nguồn lực của Trung ương và địa phương nhằm phát triển lực lượng VĐV, nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm.
Qua đó, rà soát, đánh giá lực lượng VĐV của các địa phương, ngành, nhằm bổ sung lực lượng cho các đội tuyển thể thao chuẩn bị tham dự các sân chơi quốc tế lớn mang tầm châu lục và thế giới như: Olympic, ASIAD, SEA Games cũng như các giải quốc tế khác.
"Việc đề xuất lựa chọn các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 của Sở VHTT TP.HCM dựa trên quan điểm ưu tiên các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của các kỳ Olympic, Asian Games, các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của SEA Games mà Việt Nam có thế mạnh và một số môn thể thao dân tộc cũng như hiện đại có phong trào phát triển mạnh ở nhiều địa phương đã được quảng bá ra quốc tế. Đây là những tiêu chí lựa chọn nhằm hướng tới mục tiêu chung coi Đại hội Thể thao toàn quốc như bước tập dượt của Thể thao Việt Nam cho các đấu trường quốc tế lớn" – ông Nguyễn Nam Nhân nhấn mạnh./.