Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững

Sáng 13-11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Hội nghị do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KIỀU KHANH

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KIỀU KHANH

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường bất động sản có mối quan hệ với nhiều ngành kinh tế khác. Do đó nếu thị trường bất động sản hoạt động an toàn, bền vững sẽ tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian qua, khi thị trường này gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, thành lập tổ tháo gỡ khó khăn và đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, gần đây, báo cáo tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể hóa mục tiêu trên, Thủ tướng cũng đã ban hành nhiều Công điện, Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường, trong đó có thị trường bất động sản. Gần đây nhất, Thủ tướng ban hành Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay khi có công điện này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, tổng hợp số liệu, phối hợp với các đơn vị của Bộ Xây dựng, hai Bộ thống nhất triển khai hội nghị Triển khai Công điện 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thông tin, đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với ngày 31-12-2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng rất cao (tăng 21,86%), cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT ANH

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT ANH

Để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực bất động sản; phát triển thị trường vốn trung hạn, dài hạn; đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản như Nghị quyết 33/NQ-CP, Công điện số 993/CĐ-TTg.

Về phía ngành ngân hàng, thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/phat-trien-thi-truong-bat-dong-san-an-toan-lanh-manh-ben-vung-751169