Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đến năm 2030

Việc vận hành thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh đã đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam. Đến nay, sau 7 năm hoạt động, TTCK phái sinh đã có bước tăng trưởng ấn tượng và ổn định, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia giao dịch. Với kết quả ấn tượng đó, Việt Nam đặt mục tiêu TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Tại thời điểm cuối tháng 9, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh đạt 1.764.649 tài khoản, tăng 1,17% so với cuối tháng 8/2024.

Tại thời điểm cuối tháng 9, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh đạt 1.764.649 tài khoản, tăng 1,17% so với cuối tháng 8/2024.

Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng lớn mạnh, vượt cả kỳ vọng

Ngày 10/8/2017, TTCK phái sinh chính thức được khai trương và đi vào vận hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với sản phẩm đầu tiên được đưa vào giao dịch là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Trên quan điểm phát triển TTCK phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, trong giai đoạn đầu vận hành, thị trường chỉ tập trung vào một số sản phẩm dễ thực hiện, phù hợp với nhu cầu thị trường và thông lệ quốc tế.

Thống kê từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, công cụ phái sinh trên chỉ số chứng khoán thường được lựa chọn ưu tiên làm sản phẩm phái sinh tài chính cho việc xây dựng TTCK phái sinh. Ở Việt Nam, tại thời điểm khai trương, sản phẩm chứng khoán đầu tiên được đưa vào giao dịch là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Theo lộ trình phát triển TTCK phái sinh, sau khi triển khai thành công sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, năm 2019, HNX tiếp tục đưa vào giao dịch sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm và năm 2021, là Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm.

Sau 7 năm hoạt động, TTCK phái sinh đã có sự tăng trưởng lớn mạnh, vượt cả kỳ vọng đặt ra và trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường tài chính trong nước và quốc tế nhiều biến động. Điều này thể hiện rõ qua quy mô thị trường ngày càng được cải thiện, giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia thị trường. Tăng trưởng quy mô giao dịch hàng năm của TTCK phái sinh đạt bình quân 28,21%/năm trong giai đoạn từ năm 2018 đến cuối năm 2023. Đặc biệt, năm 2020 tăng 79,9% so với năm 2019 và năm 2022 tăng 44,03% so với năm 2021.

Hệ thống thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cũng liên tục đón nhận các thành viên mới, từ 7 công ty chứng khoán (CTCK) thành viên khi mới khai trương thị trường, đến nay hệ thống đã có 24 CTCK thành viên. Các CTCK thành viên này đều có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu 900 tỷ đồng và đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giao dịch chứng khoán phái sinh.

Một điểm sáng trong quá trình phát triển của TTCK phái sinh, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của thị trường sau 7 năm hoạt động, đó là cơ cấu nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường đã có sự thay đổi theo hướng cân bằng hơn. Mặc dù, hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, tuy nhiên đã có sự dịch chuyển theo hướng giảm tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, tăng tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức. Trong giai đoạn đầu của thị trường, gần 99% giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư cá nhân. Tỉ trọng này đã giảm xuống còn khoảng 67% vào cuối năm 2023 và còn 63,15% vào cuối tháng 7/2024, tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức chiếm 36,85%.

TTCK phái sinh đã từng bước trở thành công cụ phân tán và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường cơ sở nhiều biến động. Khi thị trường cơ sở biến động mạnh, thì khối lượng trên TTCK phái sinh tăng cao, cho dù biến động đó là tăng hay giảm. Đặc biệt, khi thị trường cơ sở giảm điểm mạnh, TTCK phái sinh còn góp phần làm giảm áp lực bán tháo trên thị trường cơ sở vì khi thị trường cơ sở giảm, nhà đầu tư thay vì phải bán cổ phiếu trên thị trường cơ sở để quản trị rủi ro danh mục đầu tư thì nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán (short) trên TTCK phái sinh.

Bên cạnh đó, chứng khoán phái sinh còn là một kênh đầu tư sinh lời quan trọng đối với các nhà đầu tư. Với lợi thế giao dịch 2 chiều và có thể mua, bán liên tục ngay trong phiên, nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường cơ sở giảm mạnh. Nhờ đó, TTCK phái sinh không ngừng thu hút nhà đầu tư mới đến với thị trường, qua thống kê cho thấy số lượng tài khoản giao dịch phái sinh được mở mới của các nhà đầu tư liên tục tăng. Tại thời điểm cuối tháng 9, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh đạt 1.764.649 tài khoản, tăng 1,17% so với cuối tháng 8/2024.

Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030

Tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm liên quan đến TTCK phái sinh gồm:

Một là, tiếp tục triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ; từng bước triển khai hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán, các sản phẩm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ hoặc nhóm cổ phiếu;

Hai là, cải tiến chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCK phái sinh...; hướng tới phát triển đa dạng các sản phẩm phái sinh dựa trên nhiều tài sản cơ sở khác nhau.

Ba là, triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP); cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán theo mô hình CCP cho các chứng khoán phái sinh trên thị trường phi tập trung (OTC). Nghiên cứu và tiến tới liên kết giữa Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam với các tổ chức đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán trong khu vực để cung cấp dịch vụ cho các giao dịch xuyên biên giới.

Bốn là, rà soát, sửa đổi các quy định về cấp phép để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng khi tham gia giao dịch, triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ trên TTCK cơ sở và TTCK phái sinh.

PV. (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phat-trien-thi-truong-chung-khoan-phai-sinh-den-nam-2030.html