Phát triển thị trường một số sản phẩm chủ yếu
Bình Phước có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với đa dạng cây công nghiệp, cây ăn trái như cà phê, cao su, tiêu, điều, sầu riêng, bưởi da xanh… và phát triển chăn nuôi heo, gà, dê… Tuy nhiên, những năm qua, hiệu quả sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Phát triển thị trường một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời khẳng định uy tín, vị thế hàng nông sản và sản phẩm công nghiệp chế biến của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng trên thị trường thế giới.
CỦNG CỐ, MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế, Bình Phước đã có Đề án “Phát triển thị trường một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh và nông hộ liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hoàn chỉnh, đạt các tiêu chuẩn về chất lượng (VietGAP, GlobalGAP,...); củng cố, mở rộng thị trường phát triển sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả chung.
Theo đó, mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, các sản phẩm chủ yếu của tỉnh (tiêu, cà phê, rau quả, sản phẩm chế biến từ điều, gỗ, cao su, chăn nuôi heo, gà) có mặt tại 50% các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động theo chuỗi trong nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm chủ yếu đạt 2,5 tỷ USD/năm. Xuất khẩu thành công các sản phẩm chủ yếu của tỉnh sang các thị trường khu vực. Đón khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch (trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 3,21% đến 4,00% tổng số lượt khách), doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng.
Đến năm 2030, các sản phẩm chủ yếu của tỉnh (tiêu, cà phê, rau quả, sản phẩm chế biến từ điều, gỗ, cao su, chăn nuôi heo, gà) có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động theo chuỗi trong nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu đạt 3 tỷ USD/năm. Xuất khẩu thành công các sản phẩm chủ yếu của tỉnh sang các thị trường châu Âu, Mỹ. Đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch (trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 4-5,05% tổng lượt khách), doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.
ĐẨY MẠNH KẾT NỐI, QUẢNG BÁ
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tổ chức các hoạt động nâng cao xúc tiến thương mại và du lịch, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN, hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến thương mại và du lịch hằng năm của tỉnh. Tổ chức đoàn tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm để quảng bá và tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước cho một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh; hỗ trợ DN xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng liên quan đến xúc tiến thương mại và du lịch. Hỗ trợ DN trong tỉnh kết nối với các DN trong và ngoài nước để hợp tác tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu của tỉnh. Tổ chức các chương trình quảng bá du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn người dân thực hiện sản xuất đúng quy hoạch, tạo nguồn hàng hóa, sản phẩm chủ yếu của tỉnh đảm bảo về số lượng và chất lượng để cung ứng theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước; tuyên truyền, vận động, chuyển giao kỹ thuật để người chăn nuôi biết cách sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các loại thức ăn chăn nuôi, tận dụng nguồn nguyên phụ liệu sẵn có tại địa phương để phối trộn làm thức ăn chăn nuôi. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, phát triển thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm chủ yếu của tỉnh.
Sở Công Thương chủ trì tham mưu xây dựng các chương trình, đề án khuyến khích xúc tiến thương mại. Tăng cường theo dõi, dự báo, cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất nhập khẩu, thương mại - đầu tư; hỗ trợ DN tiếp cận và phát triển thị trường chiến lược cho các sản phẩm chủ yếu; phổ biến, cung cấp thông tin liên quan đến yêu cầu về kỹ thuật, chính sách, các tiêu chuẩn, quy định, điều kiện của nước nhập khẩu... nhằm hỗ trợ DN chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu tổng kết thực tiễn, hình thành cơ chế mới thích hợp hơn, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, hợp tác xã, DN trong chế biến sâu, liên kết trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu bền vững. Triển khai đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa trên môi trường mạng. Hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu của tỉnh.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức ký kết hợp tác phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất cho một số sản phẩm chủ yếu của Bình Phước với các tỉnh, thành khác trong cả nước, hỗ trợ tư vấn các hợp tác xã xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch giới thiệu và quảng bá các sản phẩm chủ yếu của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.
UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt các quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại và du lịch, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm chủ yếu tại địa phương. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ yếu của tỉnh trên địa bàn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và du lịch trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường.