Phát triển thị trường mua bán nợ để xử lý nợ xấu

Ngoài luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo, một trong những giải pháp quan trọng nhất để giải quyết rốt ráo nợ xấu chính là phát triển thị trường mua bán nợ. Tới đây, có thể các công ty mua bán nợ sẽ được thành lập nhiều hơn và phạm vi hoạt động được mở rộng hơn.

Việc sửa đổi đồng bộ hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ kích thích thị trường nợ phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Việc sửa đổi đồng bộ hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ kích thích thị trường nợ phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Mở rộng, nhưng quản chặt hoạt động của các công ty mua bán nợ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC). Theo Dự thảo, khoản nợ mà AMC thực hiện quản lý, khai thác theo ủy quyền là nợ xấu bao gồm cả nội bảng, ngoại bảng. Đối với khoản nợ công ty AMC được mua, bán, chỉ bao gồm các khoản nợ xấu nội bảng, ngoại bảng phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay cho bảo lãnh, khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính.

NHNN cho biết, hoạt động của tổ chức tín dụng hiện nay đa dạng hơn so với thời điểm ban hành Quyết định 1390/2002/QĐ-NHNN. Do đó, việc tiếp nhận, xử lý các khoản nợ theo ủy quyền của AMC cần được mở rộng để đảm bảo có nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Trên thế giới, các công ty AMC được thành lập theo nhiều mô hình khác nhau, nhằm xử lý nợ xấu và tái cấu trúc tài sản của ngân hàng thương mại. Các AMC của ngân hàng thương mại thường hoạt động với mục tiêu xử lý nợ xấu nội bộ, hoặc chỉ mua nợ thông thường ở một số trường hợp đặc biệt, như khi doanh nghiệp có khoản vay tốt, nhưng gặp khó khăn tài chính tạm thời, AMC có thể mua lại nợ và tái cơ cấu hoặc bán lại khi doanh nghiệp phục hồi, thay vì để thành nợ xấu...

Tại Hàn Quốc, các ngân hàng lớn như KB Kookmin, Shinhan, Woori đều có AMC riêng. Tại Trung Quốc, có một hệ thống AMC phát triển mạnh như ICBC, CCB, BOC đều thành lập AMC riêng để xử lý nội bộ.

Tại Việt Nam, trước đây, mục tiêu của việc thành lập công ty quản lý nợ là để xử lý các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng. AMC giúp các tổ chức tín dụng thu hồi nợ khó đòi, tái cấu trúc các khoản vay và giảm tỷ lệ nợ xấu, góp phần làm sạch bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, giúp tổ chức tín dụng hoạt động an toàn và hiệu quả hơn. Do đó, việc tiếp tục thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của AMC là cần thiết.

Nợ xấu giảm, nguồn lực cho nền kinh tế sẽ tăng lên.

- TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam

Quy mô nợ xấu nước ta hiện hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 40 tỷ USD. Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng hai con số, đây chính là một trong những điểm nghẽn lớn. Hiện nợ xấu là 5,47%, nếu giảm xuống 2 - 3%, thay vì mức 6 - 7%, thì nguồn lực cho nền kinh tế sẽ tăng lên, các ngân hàng có điều kiện để giảm lãi vay và sự an toàn của hệ thống tài chính cũng được cải thiện.

“Việc quy định phạm vi khoản nợ được tiếp nhận, quản lý, xử lý theo ủy quyền; mua, bán là khoản nợ xấu phù hợp với mục tiêu chính của việc thành lập công ty quản lý nợ, giúp công ty quản lý nợ tập trung xử lý đối với các khoản nợ xấu. Đồng thời, tránh được việc tổ chức tín dụng lợi dụng hoạt động của công ty quản lý nợ để mua, bán nợ, làm thay đổi số liệu, tình hình nợ xấu của tổ chức tín dụng”, NHNN khẳng định.

Theo TS. Cấn Văn Lực, việc mở rộng phạm vi hoạt động của các công ty mua bán nợ là rất cần thiết. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng nên cho phép các công ty mua bán nợ đáp ứng đủ điều kiện được thu giữ tài sản đảm bảo. Điều này giúp tăng cường khả năng thu hút nguồn vốn từ xã hội cho hoạt động xử lý nợ xấu.

Cấp bách đưa 1 triệu tỷ đồng “vốn chết” ra nền kinh tế

Tuần này, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo Dự thảo, Chính phủ đề xuất luật hóa 3 nhóm chính sách tại Nghị quyết 42/2017QH14: các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng; tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các tổ chức tín dụng; đối với tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý và thi hành án, thì cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng này cho các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau khi Nghị quyết 42/2017QH14 hết hiệu lực, ý thức trả nợ của nhiều khách hàng “buông lỏng” khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 5,36%, thì đến hết tháng 2/2025 đã tăng lên 5,47% (nợ xấu tuyệt đối tăng thêm khoảng 34.000 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm). Tốc độ xử lý nợ xấu bằng tài sản đảm bảo chậm lại cho thấy việc sửa luật là rất cần thiết, giúp hệ thống ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu.

Hiện quy mô nợ xấu toàn nền kinh tế đã vượt 1 triệu tỷ đồng. Số “vốn chết” khổng lồ này đang gây lãng phí nguồn lực trong bối cảnh nền kinh tế thiếu vốn và là nguyên nhân khiến mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao. Thêm vào đó, tài sản thế chấp gắn với các khoản vay cũng không thể sử dụng, khai thác do vướng rủi ro pháp lý.

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi đồng bộ hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu, trong đó có sửa Luật Các tổ chức tín dụng và ban hành thông tư mới về AMC sẽ kích thích thị trường nợ phát triển. Hiện gần 50% nợ xấu được các ngân hàng xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả và bền vững nhất vẫn là phát triển thị trường mua bán nợ.

Chính vì vậy, khuyến khích thành lập và mở rộng phạm vi hoạt động của các công ty mua bán nợ, thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng như lập hành lang pháp lý thông thoáng cho thị trường nợ là giải pháp rất được mong chờ, cùng với việc luật hóa Nghị quyết 42/2017QH14.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phat-trien-thi-truong-mua-ban-no-de-xu-ly-no-xau-d287350.html