Phát triển thị trường việc làm cho lao động trong tỉnh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có nhiều lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh trở về địa phương, vấn đề giải quyết việc làm cho số lao động này đang trở thành áp lực với nhiều địa phương.

Tư vấn hỗ trợ lao động lựa chọn việc làm tại huyện Bát Xát. Ảnh: Tư liệu

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) có gần 600 người lao động trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo ra lượng lao động dư thừa lớn. Trước tình trạng trên, chính quyền xã đã kết hợp những chương trình đào tạo nghề nông nghiệp ngắn hạn tại xã, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Bà Lục Thị Sen, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết: Qua các phiên giao dịch, xã đã có gần 20 lao động tìm được việc làm mới, có thu nhập ổn định. Đây là kết quả bước đầu để xã tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tìm kiếm cơ hội việc làm cho lao động.

Tại thôn Hoàng Phì Chày, xã Tả Ngài Chồ, UBND huyện Mường Khương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm vào tháng 7/2021. Ngay khi kết thúc phiên giao dịch, đã có 6 lao động đăng ký đi làm tại một doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương. Chỉ hơn 2 tháng sau phiên giao dịch, những người đi làm đã kết nối giới thiệu thêm 27 lao động đi làm việc cho doanh nghiệp.

Tả Ngài Chồ là xã biên giới nghèo với 100% người dân tộc Mông sinh sống, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Mấy năm trước, người dân thường đi làm thuê ở các tỉnh khác, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động đã mất việc làm, phải trở về địa phương.

Ông Giàng Sín Phủ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Người dân đi làm thuê tự phát thường không có hợp đồng lao động nên chịu nhiều thiệt thòi khi nghỉ việc. Phiên giao dịch việc làm đã đem cơ hội cho nhiều lao động. Từ tháng 7 đến nay, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, hơn 80 lao động của xã được giới thiệu đi làm tại các doanh nghiệp.

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, nhất là ở khâu tuyển lao động tại các địa phương, bởi không thể tổ chức các phiên giao dịch việc làm tập trung, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã giới thiệu và tạo việc làm mới cho hơn 1.000 lao động.

Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: Nắm bắt khó khăn của thị trường việc làm tự do, trung tâm đặt mục tiêu là cầu nối tạo việc làm an toàn cho người lao động. Thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tuyên truyền và giao dịch việc làm cho người lao động. Mặc dù đã có hơn 1.000 lao động được tạo việc làm mới, nhưng để mở rộng thị trường, giới thiệu việc làm tới người lao động vẫn còn không ít khó khăn, như bất đồng ngôn ngữ khi giao tiếp với người dân địa phương, lao động phổ thông chưa qua đào tạo, thể trạng và sức khỏe của người tham gia ứng tuyển lao động không đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều lao động người địa phương chưa nắm, hiểu rõ được thực tế nơi làm việc mới, nên lo lắng, không mạnh dạn đăng ký đi làm.

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang phối hợp thường xuyên với 10 công ty, doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh; 15 công ty, doanh nghiệp trong tỉnh; 4 công ty nước ngoài (Nhật Bản, Đài Loan) tuyển dụng lao động. Khi trúng tuyển tại các công ty trên, người lao động được ký hợp đồng và hưởng đầy đủ chế độ theo quy định của Nhà nước…

Ngày 13/7/2021, UBND tỉnh có Văn bản số 297 về việc triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra là tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường trong tỉnh lên 32% vào năm 2025; tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2025 tối thiểu là 6%/năm; giảm tỷ lệ thanh niên không đi học, không được đào tạo đến năm 2030 là dưới 5%, người không có việc làm dưới 3,5%; đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho lao động… Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trước khi tham gia thị trường lao động.

Giải quyết việc làm cho lao động trở về địa phương là cấp bách, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm cần tham mưu cho tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, đổi mới hình thức tổ chức giới thiệu việc làm cho người lao động.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349961-phat-trien-thi-truong-viec-lam-cho-lao-dong-trong-tinh