Phát triển thị trường vốn: Cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước

Phát triển thị trường vốn thông qua các kênh đầu tư và huy động sẽ giúp doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước nói riêng có điều kiện mở rộng sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn không ít doanh nghiệp Nhà nước, kể cả những doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa (Nhà nước giữ cổ phần chi phối hoặc Nhà nước giữ một phần vốn) vẫn chưa năng động để huy động vốn cho phát triển.

Cơ chế chính sách không thiếu

Trình bày tham luận tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới", ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua các cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến trình bày tham luận tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới. Ảnh: BT

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến trình bày tham luận tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới. Ảnh: BT

Các doanh nghiệp Nhà nước đã từng bước được cơ cấu lại hiệu quả hơn, giữ vững vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xăng, dầu, điện, than, hàng không, viễn thông, đường sắt và nhiều mặt hàng thiết yếu đã đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư, chi tiêu, không tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước đóng góp lớn để xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; trước hết là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, năng lượng, viễn thông,…Đồng thời, các doanh nghiệp Nhà nước đã tăng cường một bước công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi không để phát sinh tồn đọng tài chính, thường xuyên đối chiếu thu hồi các khoản công nợ theo quy định.

Là một doanh nghiệp cổ phần hóa nhanh nhạy nắm bắt thị trường vốn, ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hapaco cho biết, từ một công ty Giấy nhỏ bé, khi cổ phần hóa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu vỏn vẹn chỉ có 1,08 tỷ đồng, đến nay Hapaco đã có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100 lần so với khi chưa cổ phần hóa. Hapaco là doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Hậu cũng chia sẻ, trước khi có thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp chỉ có một cửa duy nhất là huy động vốn qua ngân hàng. Từ khi thị trường chứng khoán mở ra, Hapaco và rất nhiều doanh nghiệp khác đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư đại chúng, từ đó, mở rộng đầu tư, mở rộng cổ đông, đối tác, mở rộng quy mô thị trường.

Nhưng chưa vận dụng triệt để

Bên cạnh những kết quả đạt được ông Đặng Quyết Tiến cũng chia sẻ một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm để người cán bộ quản lý tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa làm tốt, triệt để. Một số cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong quá trình tổ chức triển khai hoạt động nên vẫn còn doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ; tại một số doanh nghiệp Nhà nước vẫn có những dự án chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm. Tại nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa theo kịp với yêu cầu biến động của thị trường, chưa thực sự theo cơ chế thị trường. Công tác quản lý đầu tư, quản lý tài chính, quản lý rủi ro, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, thất thoát còn lỏng lẻo; chi phí sản xuất kinh doanh còn lớn. Việc tổ chức thực hiện pháp luật về công bố thông tin còn mang tính hình thức, dẫn tới khó giám sát được doanh nghiệp, không đủ thông tin khách quan về doanh nghiệp nhà nước, tạo dư luận xã hội thiếu tích cực về tính minh bạch của doanh nghiệp nhà nước, trước hết là doanh nghiệp nhà nước các ngành, lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc do Nhà nước định giá, điều tiết giá hoặc các ngành cung cấp sản phẩm dịch vụ công thiết yếu...

Phân tích nguyên nhân những hạn chế này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, do vướng mắc về thể chế chậm được nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung để tháo gỡ và thúc đẩy quá trình tự chủ gắn tự chịu trách nhiệm theo đúng nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tuân thủ chặt chẽ pháp luật. Tổ chức thực hiện của một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch tái cấu trúc. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đăng Quyết Tiến cũng nêu ra các giải pháp để gắn sự phát triển của thị trường vốn với lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. Đó là, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị và trách nhiệm của người đứng đầu. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước với việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.

Thực hiện công khai thông tin đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước (trừ các doanh nghiệp có liên quan đến quốc phòng, an ninh), đảm bảo cho mọi đối tượng quan tâm có thể dễ theo dõi, giám sát, khai thác thông tin. Công khai thủ tục, điều kiện, quá trình lựa chọn và đối tượng thụ hưởng các nguồn lực quốc gia, đặc biệt là đất, tài nguyên thiên nhiên. Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm giải trình về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước trước cơ quan đại diện chủ sở hữu khi có yêu cầu.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước với việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt. Ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước với công tác công khai thông tin của doanh nghiệp. /.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-trien-thi-truong-von-co-hoi-tai-cau-truc-doanh-nghiep-nha-nuoc-121601.html