Phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm cơ khí: Còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm cơ khí gặp nhiều khó khăn về thị trường. Tuy nhiên, cơ khí Việt Nam cũng có những thế mạnh, nếu biết khai thác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia tăng giá trị xuất khẩu...

Tỷ trọng xuất khẩu còn khiêm tốn

Phát biểu tại Hội nghị “Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cơ khí” ngày 31/8, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, do thách thức liên quan đến địa chính trị, thiên tai bão lũ… từ đầu năm tới nay, xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân kim ngạch giảm sút là do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, trong đó có doanh nghiệp cơ khí (ngành công nghiệp mang tính “xương sống” của nền kinh tế).

Ông Nguyễn Chỉ Sáng nhấn mạnh doanh nghiệp cơ khí Việt Nam còn tồn tại một số điểm yếu “kinh niên”, như: Cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhân công, vật tư phụ thuộc vào Trung Quốc; doanh nghiệp chưa nắm vững các điều khoản quy định về luật thương mại của một số thị trường như EU, Mỹ, châu Phi…

Dù dư địa của ngành là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.

Ở góc độ đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, hiện con số xuất nhập khẩu của ngành cơ khí lớn, nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Ông Nguyễn Chỉ Sáng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Qua làm việc thực tế, ông Nguyễn Chỉ Sáng cho hay, khách hàng nước ngoài nhận diện nhiều hạn chế của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Trong đó, kỹ năng tìm kiếm khách hàng hạn chế; chưa có mặt hàng truyền thống; không có đại diện bán hàng theo khối và không liên kết chặt chẽ trong tìm kiếm khách hàng; ngại thay đổi quy mô sản xuất và hạn chế trong sử dụng thương mại điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp cơ khí địa phương, ông Đinh Hồng Quân - Phó Chủ tịch thường trực Hội các doanh nghiệp Cơ khí tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hầu hết có quy mô nhỏ, khả năng nhìn nhận cơ hội, kết nối với đối tác rất hạn chế.

Để mở rộng cơ hội giao thương đầu ra cho sản phẩm sơ khí, ông Đinh Hồng Quân đề nghị Bộ Công thương tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc hội tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trong nước, cũng như nước ngoài trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, đa dạng hóa sản phẩm

Tại hội nghị, các nhà hoạch định chính sách và đại diện doanh nghiệp cũng thống nhất nhận định, khó khăn còn nhiều, nhưng cơ hội cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu còn lớn, quan trọng là phải chủ động thích ứng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu đối tác.

Bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, năm nay thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30 - 40%. Tuy nhiên, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất. Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó là nhiều công đoạn sản xuất doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Ảnh: Hải Anh

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Ảnh: Hải Anh

Theo bà Trương Thị Chí Bình, hiện thị trường mới, tiềm năng của sản phẩm cơ khí Việt Nam phải kể tới là UAE. Đây là thị trường dễ tiếp cận do không có nhiều tiêu chuẩn phức tạp, giá lại tốt. Hoa Kỳ cũng đang là thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu sản phẩm cơ khí của Việt Nam.

"Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh toán tại thị trường UAE, còn thị trường Hoa Kỳ dù có nhu cầu lớn nhưng đòi hỏi cao. Do vậy rất cần sự hỗ trợ từ thương vụ để doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, đáp ứng được các yêu cầu từ đối tác" - bà Bình phát biểu.

Đồng thuận quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, Hòa Kỳ cho biết, lĩnh vực cơ khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ, nhất là ngành sản xuất ô tô. Xu hướng thời gian tới trong lĩnh vực cơ khí của Hoa Kỳ đó là áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất xe điện, đặc biệt là tập trung sản xuất sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường.

"Hoa Kỳ là nhà sản xuất lớn về cơ khí chế tạo, cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng, các sản phẩm nhập khẩu là máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ngành giấy; ô tô, phụ tùng ô tô. Như vậy, hiện còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp trong nước cần chủ động nguồn hàng, tuân thủ quy định từ thị trường" - ông Mạnh Hùng nói.

Cơ hội cho sản phẩm cơ khí Việt Nam xuất khẩu còn hiện hữu ở nhiều thị trường. Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cơ khí mới chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản.

"Hiện Nhật Bản đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở rộng sang khối các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tiếp cận trong thời gian tới" - ông Tạ Đức Minh chia sẻ.

Tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cam kết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.

Tuy nhiên ông Thắng Hải cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần tăng cường tận dụng thông tin được cung cấp, chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, đầu tư cho công nghiệp sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tiếp cận sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-thi-truong-xuat-khau-san-pham-co-khi-con-nhieu-du-dia-cho-doanh-nghiep-viet-135028.html