Phát triển thư viện số - bồi đắp văn hóa đọc và kỹ năng số cho học sinh
Việc phát triển các thư viện số đang trở thành mục tiêu của nhiều trường học trên cả nước nhằm đa dạng hóa nguồn tài liệu đọc cũng như nâng cao năng lực số cho học sinh.

Phòng học số, thư viện số tại trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Văn Dũng/TTXVN
Việc đọc, trải nghiệm sách có mối liên hệ chặt chẽ đến sự phát triển đa nhận thức, năng lực ngôn ngữ, toán học và các kĩ năng cảm xúc xã hội của trẻ em. Điều này không chỉ đúng với sách giấy in truyền thống mà cả sách kĩ thuật số. Mặc dù không thay thế được hoàn toàn vai trò của sách in nhưng sách điện tử vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường cơ hội tiếp cận, tăng thời lượng tiếp xúc và đọc sách của trẻ em. Chính vì vậy, việc phát triển các thư viện số đang trở thành mục tiêu của nhiều trường học trên cả nước nhằm đa dạng hóa nguồn tài liệu đọc cũng như nâng cao năng lực số cho học sinh.
Nâng cao khả năng tiếp cận sách và năng lực đọc
Một số nghiên cứu cho thấy, sách điện tử thu hút được sự chú ý và tham gia của học sinh nhiều hơn, nếu khai thác đúng cách sẽ phát huy được sự tập trung, tính tương tác cũng như đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn sách đọc miễn phí cho học sinh còn khá hạn chế. Việc tiếp cận các sách, trong đó có sách điện tử đang phụ thuộc nhiều vào điều kiện, môi trường sống và học tập của các em.
Với mong muốn mang đến cơ hội và những trải nghiệm đọc sách tốt nhất cho trẻ em, không phân biệt điều kiện, vùng miền, dân tộc, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) đã phối hợp với Thư viện số toàn cầu (Global Digital Library) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam. Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Na Uy, bắt đầu từ tháng 9/2022 đến nay.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết, đây là dự án ý nghĩa khi lần đầu tiên tại Việt Nam có một nguồn thư viện miễn phí, chất lượng cao dành cho trẻ em, đặc biệt là các em nhỏ dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật. Thư viện có hơn 3.000 sản phẩm sách ở các định dạng và ngôn ngữ khác nhau, trong đó tập trung vào Tiếng Việt, 8 ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Việt Nam bao gồm: Ba Na, Chăm, Ê-đê, Gia Rai, Khmer, Mơ Nông, H’Mông, Thái cùng tiếng Anh và ngôn ngữ kí hiệu.
Với các sản phẩm của dự án, trẻ em có thể thỏa thích đọc, nghe truyện, cũng như xem và tương tác với các sách có gắn các yếu tố thực tế tăng cường. Trẻ em khiếm thính cũng có cơ hội đọc trải nghiệm qua các video sách ngôn ngữ kí hiệu thú vị. Các sách, truyện trong thư viện được chọn lọc trong kho truyện thiếu nhi từ các nhà xuất bản uy tín trong nước và thế giới.

Thư viện số Ba Tơ (Quảng Ngãi) được đầu tư nhiều thiết bị thông minh. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh nhận xét, Thư viện số miễn phí không chỉ là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ giúp trẻ em, đặc biệt là những em ở vùng khó khăn, dễ dàng tiếp cận tri thức, mà còn thúc đẩy phong trào đọc sách sôi nổi, khuyến khích sự tham gia của học sinh, giáo viên, nhà trường và các bậc phụ huynh. Từ đó, cùng xây dựng một cộng đồng đọc sách tích cực và thúc đẩy văn hóa đọc, không chỉ trong nhà trường mà còn lan rộng ra toàn cộng đồng. Thông qua việc trang bị kiến thức và kỹ năng mới, dự án khuyến khích sự sáng tạo và hưởng ứng tích cực từ các trường học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, lan tỏa mô hình phát triển văn hóa đọc.
Trong năm học 2024 - 2025, Dự án triển khai tập huấn sử dụng và phát triển thư viện số miễn phí tại 6 tỉnh trên cả nước, gồm: An Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Kon Tum, Lào Cai và Điện Biên. Hoạt động tập huấn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận sách miễn phí và năng lực đọc của trẻ em thông qua phát triển nguồn tài nguyên đọc sách chất lượng cao bằng nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và ngôn ngữ ký hiệu. Đồng thời, cung cấp tài liệu mở cho giáo viên, nhà trường và phụ huynh nhằm nâng cao năng lực đọc của trẻ em, tích cực hóa phương pháp dạy học và đa dạng hóa nguồn tài liệu đọc.
Với mục tiêu tốt đẹp và ý nghĩa nhân văn, Dự án nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương, các tổ chức giáo dục và xã hội khác.
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang chia sẻ, tại An Giang, chương trình đã được thực hiện tại 2 trường Mầm non và 2 trường Tiểu học thuộc khu vực khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Dự án mang đến cơ hội để học sinh tiếp cận nguồn tri thức phong phú, khơi dậy niềm đam mê đọc sách và hình thành thói quen đọc ngay từ những năm đầu đến trường. Việc triển khai thư viện số tại các trường Mầm non và Tiểu học giúp giáo viên, học sinh làm quen với nền tảng số, góp phần xây dựng môi trường đọc hiện đại, thuận tiện và bền vững.
Hình thành năng lực số cho thế hệ trẻ

9 nhóm mục tiêu cụ thể Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 gồm "Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế". Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Với khu vực thành phố hay các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển, việc đầu tư thư viện số cũng là nhiệm vụ được các nhà trường quan tâm nhằm truyền cảm hứng, lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh; nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ và năng lực sử dụng nguồn tài nguyên tri thức số.
Bên cạnh thư viện truyền thống, Hệ thống giáo dục Chu Văn An (Quảng Bình) đã đầu tư phát triển hệ thống thư viện số có gần 4.000 học liệu điện tử, với hơn 5.000 lượt truy cập mỗi năm. Cô Nguyễn Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An nhận định, đây thực sự là bước tiến lớn trong công cuộc chuyển đổi số, gắn kết văn hóa đọc sách với sự phát triển của công nghệ thông tin. Để có thể tận dụng tối đa hiệu quả của thư viện số và nguồn tài nguyên tri thức số, việc nâng cao kỹ năng cho giáo viên, học sinh đóng vai trò quan trọng.
Cô Đinh Hồng Châm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Nhà trường đã triển khai tập huấn phần mềm thư viện điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trường học, đẩy mạnh thư viện số, kho học liệu số phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Hoạt động này giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh không chỉ tiếp cận tri thức đa dạng, nhanh chóng, dễ dàng mà còn giúp thầy trò phát huy khả năng tư duy, sự chủ động, sáng tạo trong giảng dạy cũng như học tập.
Giáo viên và học sinh sẽ được mượn - trả sách online hoặc sử dụng thẻ thông minh; khai thác kho sách điện tử tại trường hoặc tại nhà thông qua các thiết bị điện thoại, máy tính. Đặc biệt, thông qua ứng dụng eNetViet, cha mẹ học sinh có thể quản lý quá trình khai thác thư viện truyền thống và thư viện số của con. Đồng thời, phụ huynh cũng nắm được hệ thống sách, học liệu điện tử mới nhất của nhà trường hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo để gợi ý cho con tìm hiểu thêm; nhắc nhở con mượn - trả sách kịp thời.
Cô Đinh Hồng Châm cho rằng, việc tập huấn triển khai phần mềm thư viện điện tử trong trường học đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của giáo viên và học sinh mỗi nhà trường. Khi người dùng thành thạo phần mềm có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên phong phú của thư viện điện tử.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc. Khung năng lực này giúp xác định các mức độ thành thạo về công nghệ số và khuyến khích phát triển các kỹ năng phù hợp trong bối cảnh số hóa, mở ra cánh cửa của sự đổi mới sáng tạo, giúp học sinh, sinh viên trở thành những công dân toàn cầu.
Vì vậy, việc phát triển thư viện số và tập huấn, trang bị cho học sinh kỹ năng khai thác, sử dụng kho tri thức trên nền tảng số ngay từ những năm tháng đầu tiên trên ghế nhà trường là bước chuẩn bị cần thiết, mang tính bền vững để bồi đắp, hình thành năng lực số cho thế hệ trẻ Việt Nam.