Phát triển thương hiệu đặc sản thanh trà Huế

Ngày 20/1, tại thành phố Huế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Lễ công bố và trao Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý 'Huế' cho sản phẩm quả thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho biết, sản phẩm thanh trà mang chỉ dẫn địa lý “Huế” là chỉ dẫn địa lý thứ 135 được bảo hộ tại Việt Nam. Đây cũng là tiền đề tạo cơ hội để phát triển thương hiệu sản phẩm thanh trà.

Thanh trà được tuyển chọn từ những vườn có trái ngon nhất. Ảnh minh họa.

Thanh trà được tuyển chọn từ những vườn có trái ngon nhất. Ảnh minh họa.

Theo ông Trần Lê Hồng, để bảo tồn, phát triển và xây dựng thương hiệu thanh trà Huế, cần sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương và những người sản xuất, kinh doanh sản phẩm; địa phương cũng cần quan tâm, đầu tư một cách toàn diện và đúng mức để phát triển và nâng cao chất lượng của sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch và ẩm thực; xây dựng kênh tiêu thụ bền vững.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục đồng hành cùng với địa phương trong việc củng cố, sử dụng và bảo vệ chỉ dẫn địa lý "Huế" cho quả thanh trà.

Thanh trà là một giống bưởi đặc hữu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo các tư liệu lịch sử, dưới thời Nguyễn, hằng năm, quả thanh trà đều được tuyển chọn kỹ để dâng tiến vào cung vua.

Thanh trà Huế được lưu truyền trong văn hóa dân gian, sâu đậm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725). Xuất phát từ lệ cung tiến sản vật này nên người dân vùng Thủy Biều cùng chính quyền địa phương đã tổ chức lễ hội Thanh trà hằng năm để tôn vinh thứ đặc sản nổi tiếng của vùng. Năm 2014, đặc sản thanh trà của tỉnh Thừa Thiên - Huế được công nhận vào tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam.

Tường Vi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/phat-trien-thuong-hieu-dac-san-thanh-tra-hue-i720840/