Phát triển thương hiệu rau sạch An Mô

Từ mô hình trồng rau sạch truyền thống đã có từ lâu ở thôn An Mô, chính quyền xã Đức Lợi (Mộ Đức) đã hướng cho nông dân sản xuất, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là cách địa phương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau sạch của người dân.

Ngày trước, người dân thôn An Mô vẫn thường trồng rau theo phương thức truyền thống và bán sỉ khắp các chợ. Do đó, đến mùa vụ, việc gặp rủi ro về giá cả, đầu ra cho sản phẩm là điều không tránh khỏi. Để tạo đầu ra ổn định cho nông sản, nhiều nông dân ở đây đã dần thay đổi phương pháp sản xuất.

Họ kết hợp việc trồng rau theo kiểu truyền thống và trồng rau an toàn, bằng cách sử dụng phân hữu cơ thay thế cho phân hóa học. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống tưới tiêu, mái che bằng lưới cũng được đầu tư kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng rau khi cung ứng ra thị trường.

Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap được triển khai ở thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức).

Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn An Mô được triển khai từ tháng 6.2020, với 11 hộ dân tham gia. Trước đó, HTX Rau truyền thống An Mô cũng được thành lập với 17 thành viên, trong đó 11 thành viên trực tiếp và thường xuyên sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Bà Phạm Thị Dung, một trong những thành viên tiên phong sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap cho biết: "Với hơn 3 sào rau, tôi đầu tư hệ thống tưới tiêu, phân hữu cơ để gieo trồng. Vụ đầu chưa hiệu quả, nhưng sau 3 vụ thì đã khá hơn. Tuy tốn công và kinh phí cao hơn sản xuất theo kiểu truyền thống, nhưng sản phẩm làm ra được người tiêu dùng ưa chuộng, nên mình rất yên tâm”.

Từ khi triển khai, đến lúc tiếp cận sản xuất rau theo phương thức mới, người dân nơi đây luôn thực hiện đúng quy trình, cũng như tham gia đầy đủ các buổi tập huấn của các cấp, các ngành. Phó Giám đốc HTX Rau truyền thống An Mô Huỳnh Tiến Dũng cho hay: “Đối với quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, việc bón phân, phun thuốc phải thay đổi. Đó là sử dụng hoàn toàn bằng phân, thuốc hữu cơ để rau phát triển bình thường. Quan trọng nhất là phải ngưng thuốc, phân bón trước khi thu hoạch 20 ngày. Đa số người dân trồng rau ở đây đang chuyển dần sang sử dụng phân, thuốc hữu cơ; đồng thời thực hiện rất tốt quy trình trồng rau theo hướng sạch, an toàn”.

Không chỉ triển khai phương thức sản xuất mới, hiện nay, chính quyền và Hội Nông dân xã Đức Lợi đang làm thủ tục để hoàn thiện “tên tuổi” cho mô hình sản xuất rau sạch của người dân thôn An Mô. Địa phương đang tìm đầu ra ổn định bằng cách liên kết với các trường học, cửa hàng rau sạch...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lợi Đặng Thị Kim Phượng, hiện lãnh đạo xã cũng đang kết nối với nhiều công ty, doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ rau sạch của người dân. Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, địa phương cũng chỉ đạo HTX, người trồng rau thực hiện tốt việc sản xuất nguồn rau sạch, đảm bảo chất lượng. Thời gian tới, xã sẽ hoàn thiện mô hình này và từng bước xây dựng thương hiệu rau sạch An Mô.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202007/phat-trien-thuong-hieu-rau-sach-an-mo-3014719/