Phát triển thương mại điện tử bền vững
Những năm qua, song song với các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại truyền thống, tỉnh Sơn La chủ trương đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, từng bước xây dựng hệ thống thương mại của tỉnh theo hướng tiện lợi, văn minh, hiện đại.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ
UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025. Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương đẩy mạnh tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử cho các HTX, người dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức các hội nghị tập huấn cho trên lượt 400 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về các văn bản quy phạm pháp luật cùng các kiến thức cần thiết khi tham gia kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Postmart, Sendo, Voso tổ chức hướng dẫn cho các HTX trên địa bàn các huyện, thành phố Sơn La, Sông Mã, Mộc Châu, Yên Châu cách thực hành tạo lập gian hàng và thực hiện kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ 15 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, thiết kế các website, tư vấn hỗ trợ xây dựng 3 phần mềm quản lý khách hàng phục vụ cho việc quảng bá, kinh doanh sản phẩm, hỗ trợ quản lý khách hàng. Hỗ trợ cung cấp dịch vụ về đăng ký làm thành viên VIP của Cổng Thương mại điện tử quốc gia ECVN cho 9 đơn vị; hỗ trợ xây dựng xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến cho 10 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong nước tổ chức hội chợ trực tuyến, như: Chương trình “Ngày đặc sản Sơn La”trên sàn thương mại điện tử Sendo; Hội chợ triển lãm trực tuyến tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử PostMart.
Từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương cũng đã triển khai đưa các sản phẩm của tỉnh ra thị trường quốc tế trên môi trường trực tuyến, thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, EC21.com, Agrimp.com. Thực hiện việc quảng cáo trả phí Google Adwords cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp các sản phẩm cà phê trên trang tìm kiếm Google tại thị trường Anh và Đức, sản phẩm xoài tại thị trường Úc, Trung Quốc. Duy trì trang thông tin giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Sơn La (https://agritradepage.vn) với 42 doanh nghiệp, HTX và 52 sản phẩm nông sản tiêu biểu bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung). Tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững tỉnh Sơn La trong tháng 5/2023, với sự tham gia của hơn 230 đại biểu, trong đó có các chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyển đổi số và logistics.
Năm 2023, tỉnh Sơn La đã tổ chức cho các hộ sản xuất trên địa bàn các xã Chiềng Đen và Phiêng Khoài hướng dẫn việc xây dựng kênh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, cũng như thực hành các kỹ năng sáng tạo nội dung, quay, dựng, chỉnh sửa video, livestream bán hàng trên nền tảng Tiktok. Triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ đối với sản phẩm mận của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn xã Chiềng Đen, Thành phố và xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu thông qua sàn thương mại điện tử VnPost và Tiktok shop.
Ông Đàm Đình Hưng, Giám đốc dự án tiktok shop, Accesstrade Việt Nam, chia sẻ: Theo nội dung Hội nghị phát triển thương mại điện tử bền vững của tỉnh Sơn La do Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND tỉnh Sơn La triển khai tháng 5/2023, Accesstrade đóng vai trò quảng bá, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm mận nói riêng, nông sản của tỉnh Sơn La nói chung năm 2023 trên kênh thương mại điện tử, nền tảng số. Livestream Tuần lễ mận hậu Sơn La vừa qua tại Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, đã thu hút gần 1 triệu lượt theo dõi và quan tâm trên nền tảng Tiktok, tổng sản lượng tiêu thụ mận hậu Sơn La từ các phiên livestream của đội ngũ Accesstrade đạt 12 tấn, với tổng số 5,8 triệu lượt xem sản phẩm, vượt chỉ tiêu 20%, đưa mận hậu đặc sản Sơn La được đông đảo khách hàng biết đến.
Giải pháp phát triển thương mại điện tử bền vững
Việc phát triển thương mại điện tử của Sơn La so với mặt bằng chung của cả nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, viễn thông của Sơn La còn khó khăn, hạn chế. Đến hết năm 2022 vẫn còn 1.188 bản chưa được cung cấp dịch vụ băng rộng cố định, 93 bản chưa được phủ sóng băng rộng di động 3G/4G. Mặt khác, còn thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, các mặt hàng của Sơn La chủ yếu là các sản phẩm trái cây tươi, có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, dễ bị hỏng, giảm chất lượng nếu không có quy trình bảo quản, vận chuyển phù hợp. Số lượng và quy mô các doanh nghiệp Logistics trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, hoạt động Logistics còn đơn giản, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc vận tải hàng hóa, thiếu các dịch vụ chuyên nghiệp về hỗ trợ sơ chế, bảo quản, đóng gói hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản tươi sống.
Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho hay: Sở tiếp tục tham mưu tỉnh đẩy mạnh xây dựng, cải tạo, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng trên địa bàn đảm bảo hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn tỉnh để đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Cung cấp các dịch vụ viễn thông băng rộng như FTTx, kênh riêng, 4G, 5G với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường. Đẩy nhanh thực hiện phủ sóng cho các bản chưa có sóng di động băng rộng, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
Là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh, bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ: Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho nông dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã kiến thức về chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, bán hàng online. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ thương mại điện tử.
Phát huy vai trò trong nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản khi tham gia vào các sàn thương mại điện tử, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, cho biết: Sở tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các ứng dụng thương mại điện tử trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, khuyến khích các cơ sở sản xuất tiêu biểu, hệ thống phân phối uy tín tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng các công cụ trong thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về thương mại điện tử theo các lĩnh vực kinh doanh. Tổ chức triển khai thí điểm mô hình bản chuyển đổi số, xã chuyển đổi số, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là gắn kết phát triển thương mại điện tử với chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm.
Các hợp tác xã, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận với các hình thức kinh doanh mới trên không gian mạng. Chủ động liên kết hợp tác với đơn vị cung cấp các giải pháp thương mại điện tử. Xây dựng và hoàn thiện mô hình liên kết, kết nối giữa các cơ sở sản xuất với người mua hàng, cơ sở cung ứng dịch vụ Logistics thông qua các sàn thương mại điện tử. Xây dựng một chiến lược quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa tỉnh Sơn La trên môi trường kinh tế số. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường tiêu thụ, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tăng cường sự phối hợp, trong công tác trao đổi thông tin quản lý nhà nước giữa các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ đối với hoạt động thương mại điện tử, hạn chế những tác động tiêu cực, những mặt trái của thương mại điện tử mang lại đối với người tiêu dùng, xã hội.
Tại Hội nghị phát triển thương mại điện tử bền vững của tỉnh Sơn La do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Sơn La triển khai tháng 5/2023, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Tỉnh Sơn La cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp có nhu cầu và năng lực đầu tư vào tỉnh, nhất là đầu tư phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và bảo quản, thương mại dịch vụ, xây dựng hạ tầng thương mại điện tử, Logistics, tạo tiền đề vững chắc để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử bền vững của tỉnh Sơn La.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, cùng sự vào cuộc của các sở, ngành, đơn vị sẽ thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua ứng dụng thương mại điện tử, tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, từng bước đưa hoạt động thương mại điện tử của tỉnh hội nhập với trong nước và quốc tế.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-ben-vung-iAcjD7e4g.html