Phát triển thương mại điện tử: Cơ hội, thách thức đan xen

Thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với những thay đổi đáng chú ý, đạt những cột mốc quan trọng vào năm 2025. Đặc biệt, thương mại điện tử tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số tại Việt Nam, đặt ra những cơ hội và thách thức đan xen.

Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Văn Chung

60% dân số tham gia thương mại điện tử

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, trong bối cảnh nhiều quốc gia phát triển chứng kiến sự chững lại ở lĩnh vực này thì Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình 24% mỗi năm, đạt doanh thu bán lẻ 11,8 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Số lượng người tiêu dùng trực tuyến ước tính đạt 49 triệu người, với giá trị mua sắm trung bình mỗi người lên tới 240 USD.

Giai đoạn 2021 - 2024, chứng kiến sự bùng phát và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra nhiều gián đoạn nghiêm trọng cho nền kinh tế - xã hội toàn cầu thì thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn là lĩnh vực duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, đạt 18% trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh.

Năm 2024, quy mô thị trường TMĐT đã đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, tỷ lệ dân số tham gia TMĐT tử đạt trên 60%, với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD/người/năm.

Tỷ trọng về TMĐT chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. TMĐT, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, TMĐT tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Nhìn chung, thị trường TMĐT Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. TMĐT xuyên biên giới, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình.

Số lượng website và ứng dụng di động TMĐT bán hàng được Bộ Công thương xác nhận đã tăng từ 3.470 nền tảng vào năm 2014 lên 53.949 nền tảng vào năm 2024 (tăng khoảng 15,6 lần trong 10 năm). Đáng chú ý, số lượng website và ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT như các sàn giao dịch, nền tảng trung gian đã tăng từ 39 nền tảng lên 1.048 nền tảng, với tốc độ tăng trưởng vượt bậc lên tới 26,9 lần trong cùng giai đoạn.

Có thể khẳng định mua sắm trực tuyến là kênh bán hàng phổ biến không chỉ tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… mà ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Báo cáo của công ty tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI, tổng giao dịch trên 4 sàn đa ngành lớn nhất gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki năm 2024 đạt 13,8 tỷ USD, tăng kỷ lục 40% so với 2023.

Chỉ trong một tháng (từ ngày 20/12/2024 - 19/1/2025), riêng mặt hàng áo dài, người Việt đã chi 189,6 tỷ đồng để mua sản phẩm này trên hai sàn TMĐT Shopee và TikTok Shop. Bên cạnh đó, trong dịp Tết 2025, các nhóm hàng, ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh trên các sàn TMĐT là sản phẩm làm đẹp (chăm sóc da mặt, chăm sóc tóc), thời trang, bộ quà tặng tết… cũng "nóng" trên các sàn TMĐT.

Thương mại điện tử có thể đạt mốc 45 tỷ USD

Theo tính toán của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), với tốc độ phát triển hiện nay, dự kiến năm 2025, doanh số TMĐT của Việt Nam có thể đạt 45 tỷ USD, vào top 3 quốc gia có thị trường TMĐT lớn nhất Đông Nam Á.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cảnh báo, bên cạnh cơ hội, sự gia nhập của các sàn TMĐT quốc tế tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp Việt. Để tạo dựng hành lang pháp lý lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, các bộ, ngành đã và đang tham mưu trình chính phủ chính sách hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến TMĐT, như: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường và quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Theo đánh giá của chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, TMĐT sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số mà còn góp phần đưa Việt Nam đạt được mục tiêu doanh thu bán lẻ lớn hơn, với 10% tổng doanh thu bán lẻ đến từ TMĐT vào năm 2025. Các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Về xu hướng phát triển, livestream bán hàng tiếp tục hứa hẹn bùng nổ. Năm 2025, hình thức livestream bán hàng đã trở thành một kênh mua sắm phổ biến, đặc biệt thu hút giới trẻ trên các sàn TMĐT. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, Cục TMĐT và Kinh tế số nhận định, trong năm 2025, xu hướng mua sắm trên nền tảng mạng xã hội tiếp tục phát triển. Facebook, Instagram, TikTok và YouTube tiếp tục trở thành các kênh bán hàng quan trọng. Tính năng livestream shopping sẽ giúp người bán tương tác trực tiếp với khách hàng.

Xu hướng tiếp theo là sự trỗi dậy của AI và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. AI và Machine Learning sẽ giúp các nền tảng TMĐT phân tích hành vi mua sắm, từ đó đề xuất sản phẩm phù hợp hơn. Trong khi Chatbot AI và trợ lý ảo sẽ hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Tiếp đến là TMĐT xuyên biên giới: Nhu cầu mua sắm hàng quốc tế tăng, đặc biệt từ Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tham gia xuất khẩu qua các nền tảng như Amazon, Alibaba, Shopee Global.

Ngoài ra một số xu hướng khác cũng được dự báo lên ngôi trong năm 2025 như: Mua sắm không tiếp xúc và TMĐT nhanh (Quick Commerce), xu hướng bền vững và TMĐT xanh. Người tiêu dùng quan tâm hơn đến các sản phẩm thân thiện môi trường, doanh nghiệp chú trọng vào bao bì sinh thái, giảm phát thải carbon và logistics xanh), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong mua sắm.

Tăng quản lý hoạt động thương mại điện tử

Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh chóng, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý TMĐT và cơ quan thuế là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tăng cường kiểm soát, xác thực thông tin của thương nhân, tổ chức kinh doanh và người nộp thuế.

Chính vì vậy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) phối hợp Tổng cục Thuế yêu cầu thương nhân, tổ chức sở hữu 120 website và 44 ứng dụng làm rõ việc đã dừng hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT hoặc đã giải thể hoặc ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg (ngày 30/5/2023), về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Cục TMĐT và KTS phối hợp Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chia sẻ thông tin về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với các mô hình tổ chức và hoạt động TMĐT.

Căn cứ theo dữ liệu do Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cung cấp tại công văn số 439/TCT-DNNCN (ngày 24/01/2025), Cục TMĐT và KTS đã yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu 120 Website và 44 ứng dụng TMĐT có giải trình về việc đã dừng hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT hoặc đã giải thể hoặc ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

Trường hợp quá 30 ngày, doanh nghiệp không có phản hồi thông tin, Cục TMĐT và KTS sẽ chấm dứt đăng ký website, ứng dụng TMĐT theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 56 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP).

Hải Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-co-hoi-thach-thuc-dan-xen-171027-171027.html