Phát triển thương mại điện tử:Hoàn thiện pháp lý bảo vệ người tiêu dùng

Thương mại điện tử Việt Nam những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua các sản phẩm trên nền tảng số để bảo đảm quyền lợi cá nhân. Ảnh: Hoàng Quân

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua các sản phẩm trên nền tảng số để bảo đảm quyền lợi cá nhân. Ảnh: Hoàng Quân

Vẫn còn những vướng mắc

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, thương mại điện tử đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, trở thành công cụ, phương thức kinh doanh quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn, thậm chí là có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn trong và sau đại dịch.

Bên cạnh các tác động tích cực, bán hàng trực tiếp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng như việc cung cấp thông tin không đầy đủ hay phát sinh những hành vi quấy rối người tiêu dùng, thông tin người tiêu dùng không được bảo mật an toàn, đặc biệt là vấn đề khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm, chính sách bảo hành cũng như tranh chấp phát sinh sẽ không được bảo đảm…

Năm 2024, bên cạnh công tác tư vấn, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng được quan tâm và thực hiện hiệu quả, Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã ghi nhận 8.446 cuộc gọi đến; trong đó, các tổng đài viên của Ủy ban đã tiếp nhận và trả lời 5.536 cuộc gọi, chiếm khoảng 78,7%. Đáng chú ý, trong số 5.536 cuộc gọi được trả lời, có khoảng 65,5% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu tư vấn, hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã tiếp nhận tổng cộng 787 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng; đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 610 triệu đồng…

Mặc dù, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng đã được quy định bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa…; đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, tuy nhiên, quá trình thực thi cũng nảy sinh một số vương mắc. Trong đó đáng chú ý là những quy định về quyền hạn cũng như nguồn lực để thực thi chưa được cụ thể. Đồng thời, pháp luật chưa phân loại chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng lĩnh vực cụ thể, từng nhóm hàng hóa, sản phẩm nhất định hay từng phương thức bán hàng khác nhau.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Lê Triệu Dũng cho biết, để thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong giao dịch thương mại điện tử, giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia xác định các nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức, triển khai thực hiện trong năm 2025.

Trong đó, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, phát hiện và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tăng cường thực thi Luật Cạnh tranh để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, tập trung xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, tổ chức điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là một số lĩnh vực mang tính chất nổi cộm; tăng cường hiệu quả phối hợp, tham vấn, trao đổi giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế…

Ủy ban tiếp tục tập trung thực hiện kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các văn bản hướng dẫn, nhằm sớm đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc sống, đồng thời tiếp tục quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Mặt khác, Ủy ban cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác thực thi Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương thông qua các hình thức tham vấn, trao đổi thông tin, tài liệu hoặc các hoạt động hợp tác quốc tế. Cùng với đó, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên đối với các tổ chức quốc tế về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng mà Ủy ban là thành viên; ký kết và triển khai các biên bản ghi nhớ hợp tác về cạnh tranh và người tiêu dùng với cơ quan đối tác tiềm năng; đàm phán và thực hiện các cam kết về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng và các nội dung có liên quan tại các hiệp định thương mại tự do song phương/đa phương…

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-hoan-thien-phap-ly-bao-ve-nguoi-tieu-dung-690208.html