Thấy giá cao chót vót, người dân đồng loạt bỏ keo trồng dứa
Đối với dứa Queen và dứa Cayen, thời gian sinh trưởng khoảng 18 tháng, bình quân 1 ha dứa sẽ cho thu hoạch từ 60-80 tấn. Với giá bán khoảng 5 triệu đồng/tấn, 1 ha dứa sau 18 tháng sẽ cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng thông thường khác.
Nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh chuyển đổi đất trồng keo, cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng cây dứa thương phẩm Cayen, Queen. Sau hơn nửa năm triển khai, cây dứa phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, hứa hẹn triển vọng thay đổi cây trồng, thay thế cây keo, phát triển bền vững cho người dân địa phương.
Những ngày cuối năm, tranh thủ thời tiết khô ráo, anh Nguyễn Văn Cường cùng nhiều thành viên trong gia đình tranh thủ ra đồng dứa ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để làm cỏ luống. Anh cho biết thời tiết lạnh, độ ẩm thấp song chỉ cần đảm bảo kỹ thuật vun luống, không để ứ đọng nước gây úng cây sẽ không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây dứa thương phẩm giống Queen.
Hồi tháng 4/2024, anh Cường cùng nhiều hộ dân mạnh dạn cải tạo đất vùng đất đồi cằn cỗi ở huyện Kỳ Anh, ký kết với một doanh nghiệp ở tỉnh Ninh Bình trồng giống dứa thương phẩm. Theo hợp đồng, đơn vị liên kết với các hộ dân sẽ trực tiếp cung ứng giống, hỗ trợ về kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng.
"Nhờ giống tốt, phân bón phù hợp, thời tiết khá thuận lợi và được sự theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên nên sau hơn nửa năm xuống giống, 5ha dứa của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt”, anh nói.
Người dân địa phương cho hay, việc chuyển đổi trồng dứa với quy mô diện tích khá lớn thay cho cây keo tràm và một số giống cây ăn quả kém hiệu quả ban đầu khiến họ lo lắng. Tuy nhiên, khi cây dứa thương phẩm dần thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng cùng việc được đơn vị liên kết đồng hành, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm khiến người trồng yên tâm hơn. Theo lãnh đạo địa phương, đến nay huyện Kỳ Anh đã trồng hơn 60 ha dứa nguyên liệu ở các xã Kỳ Tân, Lâm Hợp.
Tại nhiều vùng đất đồi ngày trước là vùng trồng nguyên liệu cho công ty chăn nuôi bò hay là vùng trồng keo tràm ở xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) thời gian qua cũng được địa phương liên kết trồng các giống dứa Queen và Cayen thương phẩm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cẩm Xuyên, dứa là cây trồng chịu hạn tốt, ít vốn đầu tư, dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao, phù hợp để nhân rộng ở nhiều địa phương của huyện. Đối với dứa Queen và dứa Cayen, thời gian sinh trưởng khoảng 18 tháng, bình quân 1 ha dứa sẽ cho thu hoạch từ 60-80 tấn. Với giá bán khoảng 5 triệu đồng/tấn, 1 ha dứa sau 18 tháng sẽ cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng thông thường khác.
Ông Lê Ngọc Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, địa phương liên kết với công ty ở Ninh Bình hợp tác trồng dứa thương phẩm. Phía công ty sẽ cung cấp giống, chuyển giao quy trình, kỹ thuật, sau đó sẽ bao tiêu lại sản phẩm cho bà con. Khi dự án triển khai, người dân rất đồng tình và tập huấn kỹ thuật, cải tạo đất trồng dứa theo quy trình.
“Hiện toàn huyện đã trồng gần 100ha, dự kiến nâng lên 500 ha để kêu gọi công ty xây dựng nhà máy chế biến dứa ngay trên địa bàn. Mục tiêu cuối là khai thác tốt các quỹ đất, tạo công ăn việc làm cho bà con và chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, vị lãnh đạo địa phương thông tin.
Cùng với địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, hiện nay, việc liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu dứa cũng được triển khai tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh như: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê... Theo kế hoạch, khi diện tích trồng dứa ở Hà Tĩnh đạt trên 1.000 ha, dự kiến sẽ có nhà máy chế biến nước ép dứa ngay tại vùng nguyên liệu của huyện Cẩm Xuyên.
Là địa phương có diện tích đồi núi lớn, việc phát triển cây dứa thương phẩm sẽ là hướng đi mới, phát triển bền vững cho người dân Hà Tĩnh trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi cho cây keo, cây ăn quả, cây ngắn ngày kém hiệu quả.