Phát triển thương mại điện tử, khuyến khích mua sắm trực tuyến

Người tiêu dùng chọn mua hàng thông qua thiết bị kết nối internet. Ảnh: Minh họa

Tiêu dùng trực tuyến đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh. Nhằm thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2025, Phú Yên có 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 6 triệu đồng/người/năm; 70% website thương mại điện tử của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.

Xu thế tất yếu

Việc có đến 98% người tiêu dùng mua hàng hóa thông qua các website và trang mạng xã hội trong thời gian qua sẽ tiếp tục duy trì hình thức mua hàng này trong tương lai. Xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường này. Nhận định này được đưa ra tại Chương trình “Tái khởi động kinh doanh sau dịch COVID-19”, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức.

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khiến nhiều ngành kinh tế ảnh hưởng nặng nề, nhưng thương mại điện tử vẫn phát triển mạnh và trở thành kênh giao dịch chính trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Cùng với người tiêu dùng trong nước, thời gian qua, người tiêu dùng Phú Yên phải thực hiện việc giãn cách xã hội, hạn chế đến những nơi đông người để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Để mua được hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, trong khi không thể đến chợ, hoặc trung tâm thương mại, nhiều người chọn cách ngồi tại nhà đặt hàng qua dịch vụ giao hàng tận nơi thông qua các ứng dụng trên nền tảng internet.

Bà Lê Thị Bích Ngọc ở phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa cho biết, bà làm quen với việc mua hàng qua mạng internet thông qua các website của doanh nghiệp và mạng xã hội facebook hơn 3 năm nay. Bây giờ, nhiều vật dụng trong gia đình bà Ngọc như điện tử, quần áo, thực phẩm,… cũng được mua qua các trang mạng. “Trong thời gian hạn chế đi đến các nơi công cộng do ảnh hưởng dịch bệnh, tôi chỉ ở nhà làm việc và đặt mua online những loại hàng hóa thiết yếu. Tôi thấy phương thức mua hàng này rất tiện lợi, chất lượng đảm bảo, mẫu mã thì đa dạng để lựa chọn”, bà Ngọc chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hạnh ở phường 1, TP Tuy Hòa cho hay, thời gian trước ông còn băn khoăn mỗi khi mua hàng trực tuyến, nhưng nay đã trở thành thói quen. Mỗi khi bận rộn, không có thời gian đi mua sắm, ông chỉ cần lướt web là có thể mua được món hàng mong muốn, từ đặt tour du lịch, phụ tùng xe, cây cảnh, quần áo đến chiếc móc khóa, hay đôi dép, mà không cần phải chen chúc đi xa, xếp hàng chờ đợi.

Ông Bùi Nguyễn Vi Đông, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Du lịch Long Phú tại Phú Yên cho biết, hầu hết các tour du lịch của chi nhánh trong thời gian qua được khách hàng đặt qua website. “Việc ứng dụng thương mại điện tử đã giúp ích công ty rất nhiều trong việc quảng bá sản phẩm du lịch, kết nối đối tác, ký kết hợp đồng với du khách. Đây là xu thế tất yếu trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh như hiện nay”, ông Đông nhận định.

Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp. Nếu không kịp thời chuyển đổi phương thức kinh doanh thì sẽ tụt lại phía sau. Thêm vào đó, dịch COVID-19 đang tác động nặng nề lên ngành bán lẻ, vì vậy đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp trong tương lai, bất kể quy mô lớn hay nhỏ.

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2020.

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2020.

Xây dựng thị trường, nâng cao lòng tin người tiêu dùng

Để thương mại điện tử của tỉnh phát triển trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên đưa ra mục tiêu xây dựng hạ tầng dịch vụ phụ trợ cho lĩnh vực này, trong đó 90% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 50% giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử. Ít nhất 3 doanh nghiệp có mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận cho thương mại điện tử đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, kênh mua sắm trực tuyến sẽ là lựa chọn đầu tiên của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới, bởi số lượng người dân sử dụng mạng internet ngày càng gia tăng. Điện thoại di động thông minh, ipad, máy tính bảng… đã trở thành vật dụng cần thiết trong đời sống và công việc kinh doanh của nhiều người.

Theo đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, một số nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh, đó là triển khai thực hiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử tỉnh trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử; phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

NGUYỄN QUANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/248597/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-khuyen-khich-mua-sam-truc-tuyen.html