Phát triển thủy điện: Nhiều bất cập cần khắc phục
Các dự án thủy điện được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành đã mang lại giá trị kinh tế cho các địa phương. Tuy nhiên, ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát để việc phát triển thủy điện đúng định hướng, giảm bớt những tác hại đến môi trường và đời sống xã hội.
Nhiều dự án sắp đưa vào vận hành
Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 dự án thủy điện, với tổng công suất thiết kế được duyệt gần 660MW. Hiện tại, có 12 dự án hoàn thành đi vào vận hành; 12 thủy điện đang thi công, dự kiến cuối năm nay sẽ có 4 thủy điện hoàn thành, phát điện. Còn 9 dự án thủy điện đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư. Thủy điện tập trung nhiều nhất ở huyện Sơn Tây với 9 dự án, huyện Sơn Hà có 7 dự án, huyện Ba Tơ có 5 dự án, còn lại ở các huyện Trà Bồng và Minh Long.
Công trường thi công Thủy điện Thạch Nham.
Năm 2022, việc vận hành thủy điện được dự báo là có nhiều thuận lợi hơn những năm trước. Nguyên nhân là do các thủy điện có hồ chứa như Thủy điện Đăkđrinh, Nước Trong, Đăk Re đã tích đủ nước theo mực nước thiết kế. Hai tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động lượng điện cao hơn cùng kỳ năm 2021, trong đó có nhiều ngày được huy động tối đa công suất, với giá bán ở mức cao, bình quân hơn 1.300 đồng/kWh. Các thủy điện nhỏ như Sơn Tây, Sơn Trà 1A, 1B, 1C lượng nước về hồ đều đặn, nên duy trì hoạt động phát điện ổn định. Trong quá trình vận hành, tất cả các thủy điện không để xảy ra sự cố máy móc; doanh thu ổn định, bình quân thu nhập của người lao động đạt 13 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách địa phương khoảng 100 tỷ đồng.
Các thủy điện đang thi công, phấn đấu về đích, phát điện trong năm 2022 gồm có Thạch Nham, Đăk Ba, Đăk Re 2, Nước Long, Thượng Sơn Tây. Theo đại diện chủ đầu tư Thủy điện Nước Long, cuối tháng 5/2022, thủy điện sẽ ngăn dòng, tích nước, đi vào phát điện. Hiện thủ tục về đất đai, truyền tải điện, khai thác nguồn nước... của thủy điện này đã cơ bản hoàn thành. Còn đại diện chủ đầu tư Thủy điện Đăk Re 2 cho biết, cuối tháng 6/2022, nhà máy sẽ tích nước và tháng 7/2022 sẽ phát điện thương mại. Còn Thủy điện Đăk Ba hiện đã cơ bản hoàn thành hầm, đập, chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ nhà điều hành và điểm cuối của cửa xả nước, phấn đấu tích nước trước mùa mưa năm nay. Riêng Thủy điện Thạch Nham, song song với đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư đang xin điều chỉnh công suất thiết kế từ 5MW lên 10MW; đồng thời thỏa thuận thuê đường truyền tải điện, để kịp đi vào vận hành trong tháng 10/2022.
Những bất cập
Tại Quảng Ngãi, thời gian qua, tình trạng xin khảo sát, lập chủ trương đầu tư thủy điện, song sau đó chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp khác diễn ra khá phổ biến. Có thể kể tên các dự án đã có sự thay đổi chủ đầu tư như: Thủy điện Sơn Trà 1, Đăk Ba, Nước Long, Hà Nang. Việc chuyển đổi chủ đầu tư từ năng lực yếu sang chủ đầu tư có năng lực thực sự để thực hiện đã sớm đưa dự án hoàn thành, đi vào phát điện. Tuy nhiên, việc chuyển đổi diễn ra với sự chênh lệch về giá, nhằm hưởng lợi là hành vi không đúng quy định của pháp luật, cần phải kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, việc cấp có thẩm quyền cấp chủ trương đầu tư nhiều thủy điện trên cùng một dòng sông, nhưng thiếu tính khoa học, vô tình đã gây ra những khó khăn nhất định cho các chủ đầu tư. Thủy điện phía hạ lưu thi công trước, đi vào vận hành, sau đó thủy điện ở phía trên mới thi công khiến đất đá cuốn trôi, gây bồi lắng lòng hồ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy đã đi vào vận hành. Thậm chí, việc cấp đất cho 2 thủy điện liền kề đã có sự chồng lấn về đất đai, khiến việc thực hiện dự án gặp khó khăn, chậm tiến độ.
Ngoài ra, một số thủy điện trong quá trình triển khai thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng chưa tuân thủ đúng quy định. Đơn cử như chủ đầu tư Thủy điện Trà Khúc 1 chưa chi trả tiền bồi thường đã san ủi trên đất của người dân. Cũng có trường hợp, người dân cố tình trục lợi chính sách đất đai, đòi bồi thường trái với quy định của pháp luật, gây khó khăn cho chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án...
Bài, ảnh: THANH NHỊ