Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tỉnh Quảng Trị có đường bờ biển dài gần 75 km, ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ và một ngư trường rộng lớn trên 8.400 km2 , trữ lượng thủy sản khoảng 60.000 tấn/ năm với nhiều loại quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, diện tích vùng triều cửa sông và vùng cát ven biển hơn 3.500 ha. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ cả khai thác và nuôi trồng nhằm phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đội tàu khai thác xa bờ của ngư dân đang neo đậu tại cảng cá Cửa Việt - Ảnh: L.A

Đội tàu khai thác xa bờ của ngư dân đang neo đậu tại cảng cá Cửa Việt - Ảnh: L.A

Hiện đại hóa đội tàu

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 2.300 tàu thuyền các loại với tổng công suất trên 140.100 CV đang tham gia đánh bắt, trong đó có 184 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên được trang bị đầy đủ ngư cụ, trang thiết bị hiện đại như máy thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình, máy dò cá... thuận lợi cho việc bám biển dài ngày khai thác thủy sản.

Đội tàu cá hùng hậu này đang mang về cho tỉnh sản lượng đánh bắt thủy sản hằng năm lên đến xấp xỉ 27.000 tấn. Ước tính tổng sản lượng thủy sản của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 18.360 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác trên 14.800 tấn, nuôi trồng hơn 3.500 tấn, giải quyết việc làm cho hơn 1,7 vạn lao động trong độ tuổi.

Gio Linh là địa phương có số lượng tàu cá lớn với hơn 860 tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ, tổng công suất 101.590 CV; trong đó có 217 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên. Đội tàu khai thác xa bờ của huyện có 168 chiếc, số còn lại khai thác vùng lộng và gần bờ. Tổng sản lượng thủy sản hằng năm từ 15.000 - 16.000 tấn.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Lê Văn Toàn cho biết, trước đây, đội tàu cá của huyện có công suất thấp, hầu hết là tàu vỏ gỗ, thiếu các trang thiết bị an toàn, hệ thống bảo quản sản phẩm còn thô sơ, tỉ lệ tổn thất lớn, chất lượng sản phẩm không cao, số sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu không nhiều.

Tuy nhiên, thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của ngư dân, Gio Linh đã trở thành huyện có đội tàu hùng hậu nhất tỉnh. Trong giai đoạn hiện nay, chủ trương của huyện là giảm dần số lượng tàu thuyền nhỏ khai thác ven bờ, khuyến khích tăng dần số tàu có công suất lớn.

Trên tàu đã được trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn như hệ thống thông tin liên lạc tầm xa, định vị vệ tinh, thiết bị giám sát hành trình; các công nghệ đánh bắt mới, hiện đại như sử dụng máy dò cá, máy tời thủy lực cải tiến, lái tàu tự động, hầm bảo quản bằng PU... Qua đó, nâng cao sản lượng đánh bắt, chất lượng sản phẩm, giảm được tổn thất sau khai thác.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Thặng khẳng định, chủ trương hiện đại hóa tàu cá đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực và nhờ có chủ trương này, ngư dân có điều kiện tiếp cận, trang bị cho tàu cá của mình các trang thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động, khai thác trên biển.

Bảo đảm khả năng hoạt động trên tất cả các ngư trường thuộc vùng biển Việt Nam. Sự phát triển của đội tàu theo hướng giảm số tàu công suất nhỏ, tăng số tàu có công suất lớn sẽ làm giảm áp lực khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, một trong những yếu tố quan trọng để phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Cùng với đó, các tổ đội sản xuất được thành lập giúp ngư dân trao đổi thông tin về ngư trường, thời tiết, các rủi ro khác, từ đó đã nâng cao được hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tổn thất khi xảy ra rủi ro. Các chính sách hỗ trợ như Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ giúp ngư dân yên tâm bám biển trong điều kiện thị trường luôn có sự biến động khó lường.

Bên cạnh đó, không chỉ hỗ trợ ngư dân nâng cao trình độ, hiệu quả khai thác hải sản mà thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi tư duy sản xuất của ngư dân từ khai thác truyền thống, tự phát sang khai thác có trách nhiệm, nhất là thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao

Không chỉ chú trọng khai thác thủy sản, những năm trở lại đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi mạnh từ nuôi thủy sản truyền thống sang nuôi thâm canh, nuôi công nghệ cao.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh năm 2023 đạt gần 3.400 ha. Sản lượng thủy sản nuôi trồng hằng năm đạt từ 7.500 - 10.000 tấn. Đặc biệt, toàn tỉnh có khoảng 107 ha nuôi công nghệ cao, gồm: 50 ha của Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao Việt Nam - Chi nhánh 1 tại Quảng Trị với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng và cá nước mặn, nước lợ; 57 ha còn lại do các cơ sở nuôi tôm đầu tư nuôi trên địa bàn các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà.

Nuôi cá nước mặn trong lồng tại Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao Việt Nam -Chi nhánh 1 tại Quảng Trị - Ảnh: L.A

Nuôi cá nước mặn trong lồng tại Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao Việt Nam -Chi nhánh 1 tại Quảng Trị - Ảnh: L.A

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh cho biết, với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và các địa phương, các hộ nuôi thủy sản đã ngày càng tích cực áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản.

Dọc theo các vùng nuôi tôm trọng điểm ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đã có hàng chục mô hình với chi phí đầu tư lên đến hàng tỉ đồng để nuôi tôm, nuôi ốc hương. Các hộ nuôi tôm còn xây dựng hệ thống nhà kín, lồng nổi có mái che nhằm ổn định nhiệt, hạn chế sự lây lan mầm bệnh và những tác động khác gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm nuôi. Năng suất thu hoạch tôm bình quân đạt từ 15 - 20 tấn/ha.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng VietGap, công nghệ sinh học nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn... cũng được người dân áp dụng, góp phần đưa nghề nuôi tôm phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Đồng hành với nông dân, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng ở các vùng nuôi tập trung, hỗ trợ tập huấn cho người dân về nuôi trồng thủy sản bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng... Tỉnh cũng tăng cường mời gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Vinh, định hướng của tỉnh là phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững, gắn với chế biến và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Cùng với các chính sách hỗ trợ, ngành nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào nuôi trồng thủy sản, nhất là về giống, kỹ thuật mới, vừa nâng cao năng suất, giá trị chất lượng sản phẩm, vừa thay thế phương pháp nuôi trồng truyền thống nhằm hạn chế dịch bệnh.

Tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, khai thác thủy sản, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng. Tuyên truyền vận động ngư dân bám biển, bám ngư trường truyền thống, cùng với đó xây dựng các chính sách ưu đãi cho ngư dân, nhất là hiện đại hóa đội tàu đánh bắt. Đầu tư nâng cấp, xây mới các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn đáp ứng cơ bản nhu cầu phục vụ đánh bắt xa bờ của ngư dân cũng như đảm bảo cung ứng vật tư, nhiên liệu đi biển, chế biến, tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các mô hình khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo mô hình đồng quản lý, nhất là những ngư trường ven bờ nhằm đảm bảo quyền lợi cho những ngư dân nghèo và khai thác, bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phat-trien-thuy-san-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-186585.htm