Phát triển trường chuyên: Tạo cú hích cho giáo dục toàn diện

Ngày 21-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo công tác triển khai Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho thấy, giai đoạn 2010-2020, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Năm 2010, cả nước có 68 trường chuyên, đến năm 2020 có 77 trường, bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên. Tỷ lệ học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% trong tổng số học sinh trung học phổ thông trên cả nước.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học từng bước được tăng cường. Các tỉnh, thành phố đều có quy định về chính sách đặc thù để thu hút giáo viên dạy trường chuyên.

Chất lượng giáo dục trong các trường chuyên có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện rõ rệt. Năm 2020, tỷ lệ học sinh giỏi của trường chuyên tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Năm 2020, 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế đều đoạt giải, trong đó có 9 Huy chương vàng, 8 Huy chương bạc, 5 Huy chương đồng và 2 Bằng khen.

Khẳng định chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã phần nào trở thành những điển hình về đổi mới giáo dục, có vai trò tiên phong cho các trường trung học phổ thông học tập, song Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, hệ thống trường chuyên còn bộc lộ một số hạn chế: Một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh; tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao; thiết bị dạy học hiện đại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả nhất...

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ý kiến của các đơn vị, địa phương tại hội nghị đều thống nhất giải pháp tiếp tục triển khai quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường chuyên phù hợp, cân nhắc việc xây dựng 2 trường chuyên tại các thành phố lớn; đẩy mạnh xã hội hóa; ưu tiên diện tích mở rộng cho trường chuyên, bảo đảm trường chuyên đạt chuẩn quốc gia; xây dựng khung chương trình nâng cao cho các trường chuyên trên cơ sở phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm thực hiện giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh.

Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy những hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2022-2032” nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.

Trao đổi về những việc cần làm để phát triển hệ thống trường chuyên thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh yêu cầu cần phát huy tính tiên phong của hệ thống trường chuyên, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.

Với quan điểm đào tạo phát triển toàn diện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đào tạo chuyên vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu. Vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì con người, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1023054/phat-trien-truong-chuyen%C2%A0tao-cu-hich-cho-giao-duc-toan-dien