Phát triển ứng dụng năng lượng tái tạo - Cơ hội và thách thức

Xã hội phát triển, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng. Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang dần kham hiếm, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) được xem là xu hướng tất yếu...

Công ty CP Đầu tư Thương mại Châu Đức ở xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê đầu tư lắp đặt hệ thống ĐNLMTAM có quy mô 1.800 tấm pin năng lượng mặt trời, với tổng công suất 774kWp.

(baophutho.vn) - Xã hội phát triển, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng. Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang dần kham hiếm, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) được xem là xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo nguồn điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm năng lớn, tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng này cũng đang gặp nhiều thách thức đối với tỉnh Phú Thọ.

Giàu tiềm năng
Phú Thọ là tỉnh miền núi phía Bắc có đa dạng tài nguyên tái tạo để phát điện như: Mặt trời, gió, nước (thủy điện vừa và nhỏ), sinh khối, địa nhiệt, sinh học… Trong đó, tài nguyên năng lượng mặt trời và sinh khối là hai nguồn nguyên liệu năng lượng tái tạo có tiềm năng. Với đặc điểm là tỉnh thuộc phân vùng 3 trong biểu đồ khí tượng quốc gia, Phú Thọ có mật độ trung bình khoảng 2.000 giờ nắng/năm, có cường độ bức xạ mặt trời đạt từ 3,5-4,1kWh/m2/ngày, được đánh giá phù hợp khai thác năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, nguồn sinh khối từ gỗ và các loại phế thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông, lâm nghiệp như: Mùn cưa, vỏ gỗ, vỏ trấu, rơm rạ, chất thải chăn nuôi… tái sinh theo quá trình sản xuất là nguồn nguyên liệu dồi dào có thể thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống để tạo nguồn điện. Những năm gần đây, việc ứng dụng NLTT tạo nguồn điện thay thế đã và đang được nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, người dân quan tâm, đón nhận, dần từng bước tiếp cận ứng dụng trong thực tiễn hoạt động, sản xuất, sinh hoạt. Trong đó, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương. Công ty CP Đầu tư Thương mại Châu Đức ở xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái (ĐNLMTAM) để tạo nguồn điện phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Công ty cho biết: Ứng dụng NLTT vào sản xuất, từ cuối tháng 12/2020, Công ty lắp đặt hệ thống ĐNLMTAM đấu nối với lưới điện quốc gia có quy mô 1.800 tấm pin năng lượng mặt trời, trên 6.000m2 diện tích mái nhà xưởng với tổng công suất 774kWp (kilowatt-peak). Trung bình mỗi ngày hệ thống sản xuất khoảng 3.000kWh, tổng sản lượng điện sản xuất của hệ thống trung bình khoảng 90.000kWh/tháng. Với sản lượng điện tiêu thụ từ 25.000-30.000kWh/tháng, ngoài phần điện sử dụng cho sản xuất, phần điện dư được phát hòa lưới và được ngành Điện mua lại với giá quy định là 1.900 đồng/1kWh, mỗi tháng thu từ bán điện trên 100 triệu đồng. Lắp đặt, sử dụng ĐNLMTAM đã đáp ứng nhu cầu sản xuất liên tục của Công ty, tạo thêm nguồn thu, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện hàng tháng, đảm bảo nguồn điện và hạn chế sự cố điện do quá tải gây nên… Không chỉ doanh nghiệp, nhiều đơn vị, tổ chức và hộ cá thể đã và đang tiếp cận, ứng dụng pin năng lượng mặt trời, đầu tư, lắp đặt hệ thống ĐNLMTAM. Theo số liệu thống kê từ Công ty Điện lực Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 221 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, đấu nối vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 3.707,5kWp. Sản lượng điện dư thừa phát lên lưới lũy kế từ năm 2018 đến hết tháng 4/2021 đạt 977.528kWh. Việc phát triển ứng dụng NLTT trên địa bàn tỉnh đã cho thấy sự chuyển biến tích cực từ nhận thức trong vấn đề sử dụng điện của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, với nguồn tài nguyên tái tạo đa dạng của tỉnh như đã nêu, nếu được tận dụng, khai thác hiệu quả có thể thay thế một phần cho nguồn nhiên liệu truyền thống để tạo ra nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, giúp gia tăng lợi ích kinh tế cho các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, đóng góp quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, vừa giảm sự lệ thuộc vào hệ thống lưới điện quốc gia, giảm bớt “gánh nặng” quá tải cho ngành Điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hệ thống ĐNLMTAM đấu nối lưới điện quốc gia của gia đình anh Nguyễn Công Thành ở khu 10, phường Nông Trang, thành phố việt Trì.
Nhiều trở ngại
Tuy nhiên, việc phát triển ứng dụng NLTT trên địa bàn tỉnh còn đang đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất phải kể đến chính là vấn đề khai thác nguyên liệu NLTT. Bởi, Phú Thọ tuy có đa dạng nguồn tài nguyên tái tạo, được đánh giá phù hợp khai thác NLTT, song trên thực tế trữ lượng chưa cao. Số giờ nắng nằm ở mức trung bình, qua theo dõi thực tế cường độ bức xạ mặt trời mới đạt mức 2,9-3,1kWh/m2/ngày. Bên cạnh số ngày nắng trong năm không nhiều bởi chịu ảnh hưởng do tính chất khí hậu miền Bắc, mật độ nắng không đồng đều giữa các mùa, cường độ bức xạ bị hạn chế vào mùa Đông. Ngoài ra, các nguồn tái tạo khác như: Gió, thủy điện vừa và nhỏ, tài nguyên gió, sinh học, địa nhiệt… cũng là những tài nguyên có trữ lượng nhỏ. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu được đánh giá phù hợp và có trữ lượng cao hơn cả trên địa bàn tỉnh là sinh khối hiện vẫn chưa thể đưa vào khai thác.Một thách thức khác gây trở ngại đến việc phát triển NLTT đến từ cơ chế, chính sách. Đối với loại hình điện năng lượng mặt trời, hiện chỉ áp dụng biểu giá hỗ trợ đối với các dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/42020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các dự án đầu tư kể từ sau ngày 1/1/2021 sẽ chưa có cơ chế thực hiện. Ngoài ra, những hạn chế về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng các công nghệ NLTT, việc “cào bằng” chính sách giữa các vùng miền… cũng trở thành rào cản trong việc thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cũng như khó khăn cho các cơ quan trong công tác quản lý Nhà nước.Tuy xét về lợi ích kinh tế lâu dài từ việc sử dụng NLTT là không thể phủ nhận, song chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Chỉ riêng hệ thống ĐNLMTAM đấu nối lưới điện quốc gia, ngoài đầu tư tấm pin mặt trời, chủ doanh nghiệp hay chủ hộ cần trang bị thêm các thiết bị chuyển đổi điện như: Bộ chuyển đổi nguồn điện một chiều (Inverter), tủ điện, công tơ hai chiều… ngoài ra chi phí lắp đặt, duy trì, bảo dưỡng hệ thống cũng cao hơn nhiều so với sử dụng điện lưới thông thường. Mặt khác, hạ tầng hệ thống lưới điện đấu nối, truyền tải thiếu đồng bộ cũng gây áp lực lên việc giải tỏa hết công suất điện, dễ dàng dẫn đến tình trạng quá tải “ngược”… là những thách thức trong việc phát triển ứng dụng NLTT trên địa bàn tỉnh.Giải pháp gỡ khó
Nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng NLTT, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động về việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng nhiều văn bản chỉ đạo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Sở đã chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh nhiều giải pháp phát triển ứng dụng NLTT nhằm phát triển nguồn năng lượng nhanh và bền vững. Trong đó, giải pháp “then chốt” được xác định là cần tập trung khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên tái tạo có tiềm năng, ưu tiên phát triển ứng dụng năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối; đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ và vừa, cân nhắc lợi ích kinh tế với tác động môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển các dự án điện năng lượng phù hợp với khả năng và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Điện gắn với tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ, tăng cường kết nối lưới điện, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả, góp phần xây dựng hệ thống điện thông minh hiệu quả.Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển NLTT thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Mặt khác, thực hiện linh hoạt, hiệu quả các chính sách tín dụng, nhằm hỗ trợ tạo điều kiện thu hút các đơn vị tổ chức, doanh nghiệp và người dân đầu tư ứng dụng NLTT vào hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm chủ công nghệ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng NLTT, trong việc góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững… Trong bối cảnh hiện nay, NLTT được xác định là các “trụ cột” dần trở thành xu hướng tất yếu trong chuyển dịch năng lượng. Nếu được khai thác hiệu quả sẽ không chỉ giúp giải quyết các vấn đề về môi trường mà còn mở ra cơ hội lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển nguồn năng lượng nhanh, bền vững đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202108/phat-trien-ung-dung-nang-luong-tai-tao-co-hoi-va-thach-thuc-178696