Phát triển và nhân rộng mô hình mới của HTX giúp Phú Ninh nâng tầm nông thôn mới

Việc phát triển và nhân rộng các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa mang hiệu quả kinh tế cao của các HTX ở huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) là rất quan trọng, nhằm giúp cho người dân nơi đây giàu lên từ lợi thế của địa phương. Đó cũng là cách để giúp cho vùng quê này thêm trù phú, hướng đến mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Ở xã Tam Phước (huyện Phú Ninh) có HTX nông nghiệp Phú Mỹ là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao. Thời gian gần đây 20 hộ dân là thành viên trong HTX đã tăng diện tích trồng khổ qua từ 1ha lên gần 1,3ha để đủ sản lượng cung cấp cho siêu thị, các chợ đầu mối.

Gíup dân giàu lên từ lợi thế của địa phương

Theo ông Huỳnh Văn Ca, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Mỹ, khổ qua là loại nông sản chủ lực trong nhiều năm qua giúp cho các thành viên có thu nhập đều đặn 20 triệu đồng/sào. Và mỗi năm nông dân thường trồng 3 vụ nên cho thu nhập khá.

HTX nông nghiệp Phú Mỹ đang tăng diện tích trồng khổ qua để đủ sản lượng cung cấp cho siêu thị, các chợ đầu mối.

HTX nông nghiệp Phú Mỹ đang tăng diện tích trồng khổ qua để đủ sản lượng cung cấp cho siêu thị, các chợ đầu mối.

Để nâng cao giá trị trái khổ qua ở Tam Phước, HTX được chính quyền hỗ trợ các khâu thủ tục để công nhận là sản phẩm OCOP. HTX cũng cử người đi tập huấn về quy trình sản xuất, chăm sóc theo hướng hữu cơ để hướng dẫn lại cho các thành viên áp dụng vào trồng khổ qua nên loại nông sản này luôn đảm bảo sạch, an toàn.

Là một thành viên của HTX, nông dân Nguyễn Chí Công cho biết với gần 1 mẫu đất trồng rau quanh năm, ông thu hoạch khoảng 20 tấn rau, thu nhập gần 200 triệu đồng.

Theo ông Công, nhờ có HTX Nông nghiệp Phú Mỹ đã bao tiêu phần lớn sản lượng rau do hội viên làm ra, giá thu mua sỉ lại cao hơn thương lái khác nên nông dân an tâm canh tác.

Nhìn từ mô hình của HTX này, lãnh đạo xã Tam Thái nhấn mạnh việc phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả như HTX Nông nghiệp Phú Mỹ là rất quan trọng nhằm “giúp cho người dân giàu lên từ lợi thế của địa phương”. Điều đó giúp cho xã nâng cao các tiêu chí để đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Chính vì vậy, thời gian qua xã Tam Phước đã đẩy mạnh việc phối hợp với các HTX trên địa bàn để vận động nhân dân tham gia mô hình chuỗi liên kết, sản xuất rau, củ quả an toàn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Còn ở xã Tam Thái (huyện Phú Ninh), xác định được tầm quan trọng của tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nên thời gian qua Tam Thái đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực với vai trò của các HTX.

Mở ra mô hình sản xuất mới

Điển hình HTX Nông nghiệp – kinh doanh tổng hợp Đại Phát đang liên kết với nông dân ở xã Tam Thái thời gian qua đã tạo nên chuỗi chăn nuôi gà và tiêu thụ gà thịt với quy mô 26 hộ tham gia, xuất bán 52 ngàn con mỗi lứa.

Cùng HTX trồngsâm Bố Chính được kỳ vọng mang lại thu nhập tốt cho nôngdân xã.

Theo ông Nguyễn Xuân Tin, Giám đốc HTX, nếu không tính giai đoạn khó khăn do Covid-19, mỗi hộ thành viên của HTX nuôi 3 lứa gà/năm cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, HTX này cũng đang đẩy mạnh vận động người dân ở các xã dọc theo tuyến kênh chính Phú Ninh có đất trồng lúa không hiệu quả để tạo chuỗi trồng sen nguyên liệu, phát triển sản xuất các sản phẩm từ cây sen như mức, trà…

Nhận thấy 12 sào đất màu của thôn Hòa Bình ở xã Tam Thái vốn chỉ trồng ngô, dưa, đậu phộng…nhưng kém hiệu quả, nên hồi đầu năm nay HTX Đại Phát đã liên kết và hỗ trợ toàn bộ phân bón, hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm để nông dân ở đây chuyển sang trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính, với kỳ vọng mở ra mô hình sản xuất mới, cho giá trị kinh tế cao tại vùng đất Phú Ninh.

Sau 7 tháng trồng thử nghiệm sâm bố chính đã cho thấy mang lại hiệu quả cao cho các nông dân ở đây. HTX Đại Phát và nhiều hộ dân cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục trồng sâm bố chính và mong muốn mở rộng diện tích trồng với hy vọng đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao giúp cải thiện kinh tế địa phương.

Theo tính toán, cây sâm Bố Chính phát triển tốt trên đất ruộng sản xuất cây màu, nên thời gian tới HTX Đại Phát sẽ nhân rộng mô hình trên các địa phương trong huyện. Mỗi ngày HTX thu mua hoa sâm Bố Chính tươi đem sấy lạnh hoặc để chế biến thành trà sâm. Phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cũng đang xúc tiến công nhận sản phẩm OCOP Trà được chế biến từ hoa, lá sâm Bố Chính cho HTX Đại Phát.

Những nỗ lực của một HTX như vậy đã và đang tiếp sức cho xã Tam Thái tiến tới hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023 và đạt một số chỉ tiêu của xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Hoặc như ở xã nông thôn mới Tam Lộc (huyện Phú Ninh) trên bước đường nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng đang phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp và khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp trong khu vực kinh tế hợp tác.

Trong đó phải kể đến mô hình của HTX Phú Ninh - Dũng Nghĩa ở xã Tam Lộc thời gian gần đây đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất mì Quảng ăn liền. HTX đã dành 9 tháng nghiên cứu 2 dòng mì Quảng đóng gói ăn liền và ra mắt thị trường vào giữa năm 2023.

Từ khi HTX Phú Ninh - Dũng Nghĩa tham gia Hội Khởi nghiệp sáng tạo huyện Phú Ninh và đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi dự án/ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam năm 2023, sản phẩm tham gia các đợt trưng bày, giới thiệu, quảng bá, nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến và ủng hộ.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Hiện nay, với công suất mỗi tháng 30.000 nghìn gói sản phẩm, HTX Phú Ninh - Dũng Nghĩa đang lên kế hoạch mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành lân cận. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phú Ninh cho biết, sản phẩm mì Quảng ăn liền của HTX Phú Ninh - Dũng Nghĩa được huyện đánh giá cao về mặt sáng tạo, mặc dù mới ra mắt thị trường thế nhưng sản phẩm đã được lòng người tiêu dùng.

Phát triển và nhân rộng mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao của các HTX giúp huyện Phú Ninh nâng tầm nông thôn mới.

Phát triển và nhân rộng mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao của các HTX giúp huyện Phú Ninh nâng tầm nông thôn mới.

“Thời gian qua, địa phương đã hỗ trợ chủ thể đưa mì Quảng ăn liền đến với cuộc thi dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh. Chúng tôi đang lên phương án đăng ký cho sản phẩm này tham gia chương trình OCOP, từ đó có những cơ sở hỗ trợ sâu hơn về mặt máy móc, thiết bị cho HTX”, ông Hùng chia sẻ.

Bên cạnh HTX như trên, thời gian qua nhiều chủ thể, HTX khác đã nỗ lực tìm đường đi mới cho các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP ở Phú Ninh. Huyện đã triển khai cho các HTX đăng ký thực hiện Chương trình OCOP và lập dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm đối với 15 sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện cũng đang trợ lực để những sản phẩm “made in” Phú Ninh vươn tầm cao mới.

Ngoài ra, các nông dân ở huyện Phú Ninh cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Huyện đã vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất, phát triển các mô hình trang trại, gia trại, HTX, tham gia liên kết với doanh nghiệp, để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu.

Gần đây nhất, Hội Nông dân huyện Phú Ninh đã hỗ trợ thành lập HTX Nông lâm nghiệp Phú Ninh để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và cung ứng các loại cây giống chất lượng cho nông dân phát triển kinh tế. HTX đã ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp, ươm 500 nghìn cây giống quế cao sản để thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất trồng keo.

Song song đó, HTX này còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Quảng Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt cao sản SV433 của Ấn Độ và hỗ trợ 40 nghìn cây giống cho 22 nông dân xã Tam Thành trồng trên 2ha theo chuỗi giá trị, thu nhập ban đầu ước tính 300 triệu đồng/ha.

Bà Lê Thị Bích Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh, cho biết việc chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp làm ăn hiệu quả cao đã và đang đóng góp quan trọng vào việc nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Ninh.

Có thể nói với việc chú trọng phát triển HTX với mô hình sản sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa sẽ góp phần đắc lực cho huyện Phú Ninh hướng đến mục tiêu đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/phat-trien-va-nhan-rong-mo-hinh-moi-cua-htx-giup-phu-ninh-nang-tam-nong-thon-moi-1096616.html