Phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn mới
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng. Ðặc biệt, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW) và Chương trình hành động số 07-CTr/TU, ngày 15/4/2016, của Tỉnh ủy, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển; các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng văn hóa gắn với xây dựng chính quyền và xây dựng kinh tế thực hiện khá đồng bộ và chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam nói chung, người Cà Mau nói riêng hướng đến giá trị 'chân - thiện - mỹ', nhân ái, nghĩa tình, góp phần làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân trong tỉnh.
Xây dựng con người phát triển toàn diện
Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 33-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, quán triệt cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 61-KH/TU, ngày 24/12/2021, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng; chú trọng nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa đang có nguy cơ mai một; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, hạn chế và từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, tổ chức có hiệu quả các phong trào văn hóa - văn nghệ trên cơ sở khai thác tính tiện lợi từ các nền tảng xã hội.
Cụ thể hóa chủ trương, Cà Mau chú trọng xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, tăng cường quảng bá hình ảnh, con người Cà Mau, phát triển phong trào văn hóa quần chúng ở cơ sở. Trong đó, đề cao phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Ðồng thời, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, địa phương; nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng các lễ hội tiêu biểu của tỉnh; tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch để tuyên truyền, quảng bá di sản, tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương, tạo điều kiện để Nhân dân chủ động tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa tại cộng đồng.
Trong thực hiện 6 nhiệm vụ Nghị quyết số 33-NQ/TW, nổi bật là việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng quy ước cộng đồng nhằm phát huy các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người ở cơ sở, tạo môi trường lành mạnh để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực, ý thức cá nhân, tuân thủ pháp luật, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc; đề cao tinh thần học tập để nâng cao tri thức; tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương về sản xuất kinh doanh giỏi; nhiều người dân tự nguyện hiến đất, góp công, góp sức để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng đường, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trụ sở sinh hoạt văn hóa và các địa điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động và tổ chức thực hiện đồng bộ. Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia. Các danh hiệu văn hóa đã đi vào cuộc sống, mang lại kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự thành công của các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững...
Nhận thức đúng để hành động hiệu quả
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng vừa là thời cơ, vừa là thách thức tác động đến quá trình phát triển. Mặt khác, do sự tác động của cơ chế thị trường làm ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống một bộ phận Nhân dân, nhất là giới trẻ; sự du nhập các sản phẩm văn hóa thiếu lành mạnh, độc hại thông qua các trang mạng xã hội cũng tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Sự chống phá của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hòa bình” làm xói mòn lòng tin và giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của con người, phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển văn hóa của tỉnh nhà.
Nhìn vào thực tế cho thấy, hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có nơi còn thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích chưa được quan tâm đúng mức, một số di tích xuống cấp, chưa thu hút đầu tư và khai thác tốt để phát triển du lịch. Một số phong trào văn hóa còn mang tính hình thức, chưa tạo được mô hình hay, hiệu quả để nhân rộng. Một số hiện tượng mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi; ý thức bảo vệ môi trường văn hóa lành mạnh của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống cộng đồng...
Bài học kinh nghiệm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ rõ là, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần nhận thức đúng đắn, toàn diện hơn nữa về vai trò của văn hóa trong xây dựng Ðảng, trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó có chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị, để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong các phong trào để quần chúng Nhân dân noi theo.
Trong 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh đến việc tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Ðầu tư hoàn thiện thể chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao dự báo và định hướng phát triển văn hóa nói chung, xây dựng phát triển các giá trị văn hóa con người Cà Mau nói riêng; gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh và bền vững...
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phat-trien-van-hoa-con-nguoi-trong-giai-doan-moi-a33088.html