Phát triển văn hóa đọc: Còn đó lắm gian nan

Cách đây 5 năm, Luật Thư viện được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, đánh dấu mốc quan trọng mở ra thời kỳ mới trong phát triển thư viện và văn hóa đọc của đất nước. Luật Thư viện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng khẳng định vai trò vị trí của ngành thư viện trong truyền bá tri thức, truyền bá giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Sự vào cuộc quyết liệt, sự chỉ đạo tích cực của các cơ quan quản lý, sự đồng thuận hưởng ứng của toàn xã hội, 5 năm qua đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt trong hoạt động thư viện nhưng còn đó lắm gian nan.

Thư viện Lâm Đồng đưa sách về với học sinh vùng sâu, vùng xa Đưng K'nớ - Lạc Dương

Thư viện Lâm Đồng đưa sách về với học sinh vùng sâu, vùng xa Đưng K'nớ - Lạc Dương

Từ khi có Luật Thư viện, hoạt động của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh và phát triển văn hóa đọc được nâng lên một bước mới. Với nguyên tắc “Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm”, Thư viện Lâm Đồng đã chủ động đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh các loại hình đưa sách báo, thông tin đến tận nơi cho người dân thông qua các hoạt động luân chuyển, phục vụ lưu động, trực tuyến; các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện ngày càng bám sát đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Phát triển văn hóa đọc đạt được kết quả đáng khích lệ, cộng đồng xã hội cùng chung tay mở rộng môi trường đọc, phong trào đọc sách và các hoạt động khuyến học phát triển rộng khắp từ công sở, trường học đến thôn xóm, buôn làng.

Số lượng tài nguyên thông tin thư viện không ngừng được bổ sung, các bộ sưu tập tài liệu cổ quý hiếm, tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học được phát huy giá trị. Đến nay hệ thống thư viện công cộng tỉnh Lâm Đồng gồm có 1 thư viện cấp tỉnh, 11 thư viện huyện, thành phố, 28 thư viện cấp xã, 108 tủ sách cơ sở góp phần nâng cao chất lượng phục vụ độc giả và phát triển văn hóa đọc ở địa phương. Hiện tại thư viện có 323.237 tài nguyên thông tin; trong đó tài nguyên truyền thống là 295.507 nguồn tài nguyên thông tin, 27.730 tài liệu điện tử; phân loại, sắp xếp và đóng được 269 tập báo - tạp chí; số hóa được 8.233 trang; cấp được 7.029 thẻ bạn đọc; tổng số lượt bạn đọc trong năm xấp xỉ 2,4 triệu lượt với 265.753 lượt tài liệu được luân chuyển.

Thư viện Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em

Thư viện Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em

Việc hiện đại hóa thư viện và phát triển thư viện số được chú trọng với các phần mềm quản lý thư viện như: Ilib 3.6, phần mềm mã nguồn mở quản lý bộ sưu tập số DSpce, phần mềm dùng cho thư viện trường học và thư viện cấp huyện đã được áp dụng. Các bộ sưu tập tài liệu cổ, quý hiếm đã được số hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị thông tin. Thực hiện xã hội hóa, các tổ chức trong và ngoài nước đã tài trợ thư viện nhiều tài liệu ngoại văn giúp mở rộng nguồn tài nguyên thư viện theo luật định, phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc.

Các dịch vụ được nâng dần chất lượng, hoạt động ngoài thư viện được mở rộng, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện ngày càng hiệu quả. Thư viện tỉnh thực hiện tốt vai trò là đầu mối trong hoạt động chuyên môn, phối hợp và hỗ trợ hệ thống thư viện, phòng đọc sách cơ sở. Các thư viện trường học, không gian đọc, phòng đọc cơ sở, tủ sách cơ quan, gia đình ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Từ các quy định của luật về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, đội ngũ cán bộ làm công tác không ngừng được chuẩn hóa, được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ số cho phép con người ngày càng có nhiều lựa chọn, thói quen và phương thức tiếp cận thông tin, trau dồi tri thức cũng thay đổi, vì thế không ít người thờ ơ với thư viện, bạn đọc đến thư viện đa phần là học sinh, sinh viên và chỉ tăng lên vào dịp mùa thi do cần một chỗ ngồi học yên tĩnh; các thư viện cấp huyện, cấp xã được quan tâm duy trì, nhưng không thu hút người dân đến đọc sách...

Thư viện Lâm Đồng đã thực hiện đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ: Phục vụ tại chỗ, phục vụ lưu động, phục vụ qua không gian mạng. Mỗi năm thư viện tổ chức hàng trăm buổi đưa sách về các trường học bằng xe thư viện đa phương tiện phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi; đưa sách về Trại giam Đại Bình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” trên hành trình “Sách đi tìm bạn đọc”. Thư việc đã nỗ lực không ngừng để phát triển văn hóa đọc, tạo dựng thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ qua việc tổ chức các hoạt động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đa dạng, phong phú như: kể chuyện theo sách, trưng bày sách, vẽ tranh theo sách, giới thiệu ra mắt sách, tọa đàm, giao lưu tác giả - tác phẩm, rung chuông vàng, thi trắc nghiệm trên máy tính...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và hiệu lực thi hành Luật Thư viện vào thực tiễn phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, hệ thống thư viện công cộng cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng với việc cải thiện không gian đọc, mua sắm trang thiết bị hiện đại như máy tính, thiết bị số hóa và các công cụ hỗ trợ truy cập tài liệu trực tuyến. Việc này sẽ giúp thư viện đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động mới như thư viện mới, hệ thống quản lý tài liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ bạn đọc.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202411/phat-trien-van-hoa-doc-con-do-lam-gian-nan-5191dc8/