Phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường

Để khuyến khích học sinh đọc sách, những năm gần đây, các nhà trường từ cấp tiểu học đến THPT tùy vào điều kiện thực tế của trường đã quan tâm đầu tư không gian thư viện tại trường, xây dựng các CLB về sách; đồng thời tổ chức Ngày hội đọc sách, các cuộc thi, hội thi giới thiệu về sách... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Để khuyến khích học sinh đọc sách, những năm gần đây, các nhà trường từ cấp tiểu học đến THPT tùy vào điều kiện thực tế của trường đã quan tâm đầu tư không gian thư viện tại trường, xây dựng các CLB về sách; đồng thời tổ chức Ngày hội đọc sách, các cuộc thi, hội thi giới thiệu về sách... Các hoạt động này không chỉ cho các em những kiến thức phong phú, phục vụ thiết thực việc học tập mà còn góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường.

Học sinh Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) đọc sách trong Thư viện trường.

Cứ vào Tuần lễ Học tập suốt đời hàng năm, Trường THCS Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách, thu hút hàng nghìn học sinh tham gia. Còn tại Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu), để khích lệ học sinh đọc sách, nhà trường thành lập các “tủ sách lớp học” để phục vụ học sinh, khuyến khích các em tra cứu và đọc sách ngay tại lớp học của mình. Cùng với xây dựng phòng Thư viện diện tích 90m2, trang bị hệ thống máy tính kết nối internet, thường xuyên bổ sung các loại sách, báo, tạp chí; sắp xếp khoa học để học sinh dễ tìm kiếm, phòng đọc được trang trí thân thiện, tạo hứng thú cho học sinh đọc sách, nhà trường kêu gọi tài trợ xây dựng được 12 “tủ sách lớp học” và phát động học sinh các lớp bổ sung sách trong tủ sách của lớp cho phong phú. Hiện tại mỗi tủ sách lớp học có từ 40-50 cuốn sách. Trong các giờ sinh hoạt tập thể của trường, lớp, Liên Đội, giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động kể chuyện theo sách, giới thiệu sách và có phần thưởng động viên học sinh kịp thời. Năm học 2020-2021, hưởng ứng Tuần lễ Học tập suốt đời với chủ đề: “Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời”, trường kết hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách cho giáo viên, nhân viên, học sinh toàn trường, thu hút học sinh hào hứng tham gia.

“Ngày hội đọc sách” là một trong những hoạt động từ nhiều năm nay nhằm thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở VH, TT và DL và Sở GD và ĐT trong việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thư viện cũng như đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường. Chỉ tính riêng từ tháng 4-2018 đến nay, xe ô tô “Thư viện lưu động” của Thư viện tỉnh đã tới hàng trăm điểm trường học, tổ chức các hoạt động phục vụ khích lệ học sinh tham gia đọc sách, phát huy hiệu quả trong dạy và học của các nhà trường. Đặc biệt, vào các “Tuần lễ văn hóa đọc”, nhiều nhà trường tổ chức “Ngày hội sách” để vừa tăng cường chia sẻ tình yêu sách, giao lưu, vừa giúp học sinh có cơ hội trao đổi, tiếp xúc với những phương pháp đọc sách hiệu quả; tổ chức các hội thi kể chuyện, ngâm thơ, diễn kịch, đọc diễn cảm, vẽ tranh theo sách;… nêu gương, khen thưởng những tập thể lớp, cá nhân đọc nhiều, nhớ nhiều sách, báo, tạp chí… Đến nay, sau 4 năm triển khai chương trình “Tủ sách lớp học”, 100% trường học các cấp trong tỉnh đều có thư viện, trên 12 nghìn “tủ sách lớp học” bao gồm hàng trăm nghìn đầu sách với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, để khuyến khích học sinh đọc sách, các trường từ bậc Tiểu học đến THPT tùy vào điều kiện thực tế đã xây dựng các mô hình thư viện như Thư viện xanh, Thư viện thân thiện, Thư viện lớp học... và thường xuyên đầu tư, cập nhật, bổ sung nguồn tài liệu phục vụ nhu cầu mượn và đọc sách của cán bộ, giáo viên và học sinh. Bên cạnh các thư viện truyền thống, nhiều trường còn đầu tư thư viện điện tử như tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT A Hải Hậu. Nhiều trường THCS đã phát huy hiệu quả thư viện trường học và các “tủ sách lớp học”, gắn với các hoạt động giới thiệu sách, tiêu biểu như các trường THCS: Trần Đăng Ninh, Phùng Chí Kiên (thành phố Nam Định); Hải Phương (Hải Hậu); Nam Cường (Nam Trực); Đào Sư Tích, Trực Nội, Trực Hưng (Trực Ninh). Đặc biệt, năm học 2019-2020, Sở GD và ĐT đã đầu tư xây dựng 3 thư viện tại 3 trường THCS gồm: Đào Sư Tích, Trực Hưng, Trực Nội của huyện Trực Ninh. Đây là các thư viện thông minh được đầu tư bởi Dự án “Cảm ơn thư viện nhỏ” (Thank You Small Library) từ nguồn vốn ODA trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục. Dự án cung cấp trên 1.000 cuốn sách cho các trường. Ngoài ra, các thư viện cũng được hỗ trợ lắp đặt hệ thống máy tính, màn hình và máy chiếu. Tại bậc Tiểu học, mô hình thư viện Room to Read lấy học sinh làm trung tâm với ưu điểm là thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo không gian, môi trường đọc sách thân thiện hấp dẫn học sinh. Mô hình được làm điểm tại 25 trường tiểu học và hiện nay đang được nhân rộng tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số trường tiểu học, THCS trong tỉnh còn triển khai mô hình thư viện vườn trường dưới hình thức “Thư viện xanh” đặt tại sân trường, dưới những bóng cây xanh hay tại mỗi lớp học đảm bảo các em dễ dàng lựa chọn sách và có thể đọc sách trong mọi thời gian rảnh rỗi. Để thu hút học sinh hứng thú với việc đọc sách, báo, các nhà trường phát động học sinh kể chuyện theo sách theo các chủ đề về: danh nhân văn hóa, lãnh tụ của đất nước, các vấn đề về thời sự trong cuộc sống thường ngày… Nhiều trường học khuyến khích cho học sinh tham gia trong các CLB sách: CLB sách lịch sử, CLB sách văn học, CLB sách khoa học…

Các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc và đã phát huy tác dụng trong việc khuyến khích học sinh tìm hiểu kiến thức cũng như nâng cao ý thức đọc sách trong các em học sinh. Để góp phần phát triển văn hóa đọc, thời gian tới, ngoài việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách thư viện, ban giám hiệu các nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng thư viện trường học, huy động các nhà tài trợ, doanh nghiệp, cá nhân, hội cha mẹ học sinh, giáo viên, học sinh quyên góp sách, ủng hộ trang thiết bị thư viện; mở rộng và xây dựng thêm các không gian thư viện mới để thu hút ngày càng đông đảo học sinh đến đọc sách, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Phòng GD và ĐT các địa phương cũng chỉ đạo các trường đặt các loại sách, báo, tạp chí phù hợp với lứa tuổi học sinh; đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên, nhân viên và học sinh về mục đích, ý nghĩa của phát triển “văn hóa đọc” giúp mọi người xây dựng thói quen đọc sách, ghi chép, ghi nhớ, tư duy, giúp ích cho việc giảng dạy và học tập; thường xuyên tổ chức hoạt động giới thiệu sách lồng ghép vào giờ sinh hoạt chào cờ hàng tuần; khuyến khích cán bộ thư viện phối hợp với giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh cách đọc sách khoa học, hiệu quả, giới thiệu cho các em những cuốn sách, tài liệu cần đọc để nâng cao hiệu quả đọc sách./.

Bài và ảnh:Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202101/phat-trien-van-hoa-doc-trong-cac-nha-truong-2542128/