Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
Xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp Nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, hình thành lối sống lành mạnh đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập của tỉnh ta. Xác định được điều này, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thực hiện các nội dung của đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030” (của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Thư viện tỉnh đã chú trọng xây dựng hệ thống thư viện vững chắc. Hàng năm, Thư viện tỉnh thường xuyên đổi mới hoạt động tại thư viện và cơ sở; tăng cường kết nối với các tác giả, nhà xuất bản, nhà sách tổ chức các chương trình hoạt động giới thiệu sách hay, sách quý, sách mới. Đồng thời, thường xuyên dành kinh phí để bổ sung sách mới; huy động mọi nguồn lực ủng hộ sách, báo cho thư viện, nâng cao số lượng, chất lượng sách, báo, tạp chí tại thư viện. Năm 2023, thư viện đã bổ sung và xử lý kỹ thuật 14.560 bản sách; bổ sung 172 đầu báo và tạp chí; sưu tầm 263 bản tài liệu địa chí. Đặc biệt, thư viện đã bảo quản, phục chế tài liệu quý hiếm như: 36 sắc phong, 300 tài liệu Hán Nôm gồm văn bia, sách... Nhờ đó, đến nay, thư viện có hơn 233.900 đầu sách với hơn 496.000 bản sách.
Để thu hút đông đảo bạn đọc, Thư viện tỉnh đã đa dạng và triển khai nhiều hoạt động kích thích sự tò mò và hứng thú với sách. Thư viện đã tổ chức các buổi trải nghiệm sách; kết hợp việc đọc sách, tìm hiểu sách với các hoạt động vui chơi theo chủ đề để tạo hứng thú cho các em học sinh, đặc biệt là trong dịp hè. Đồng thời, thành lập phòng đọc khiếm thị với gần 160 bản sách chữ nổi braille, hơn 500 CD sách nói thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, 5 máy tính kết nối internet và các thiết bị chuyên biệt, hỗ trợ tra cứu, sử dụng tài liệu cho bạn đọc khiếm thị... Phòng đọc đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu thụ hưởng, tiếp cận tri thức cho người khiếm thị.
Để sách đến gần với Nhân dân, Thư viện tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các trường học, địa phương tổ chức các ngày hội đọc sách và phục vụ xe ôtô thư viện lưu động. Trong năm 2023, Thư viện tỉnh đã tổ chức phục vụ xe ôtô thư viện lưu động về 53 điểm trường học từ miền xuôi đến miền núi, từ đồng bằng đến miền biển như: Trường THCS Nguyễn Du (Quảng Xương); Trường THCS Hoằng Lưu (Hoằng Hóa); Trường THCS Xuân Khang (Như Thanh); Trường Tiểu học Nam Xuân (Quan Hóa); Trường Tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa)... Cùng với phục vụ xe ô tô thư viện lưu động, Thư viện tỉnh đã kết hợp tổ chức ngày hội đọc sách tại các trường học, địa phương. Hoạt động của xe thư viện lưu động và ngày hội đọc sách đã tạo không gian, môi trường mới cho trẻ em được tiếp cận nhiều sách hay, sách đẹp, tạo thêm sự phấn khích, bồi dưỡng thêm hứng thú đọc sách và kỹ năng đọc sách một cách có hiệu quả cho trẻ em. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến công nghệ, kỹ thuật mới, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho mọi tầng lớp Nhân dân; góp phần nâng cao mức hưởng thụ của người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách trong hưởng thụ văn hóa của người dân các vùng miền.
Một trong những việc làm được Thư viện tỉnh đặc biệt chú trọng đó là công tác luân chuyển sách, báo đến các tủ sách, thư viện, phòng đọc báo tại cơ sở trên địa bàn tỉnh. Thư viện tỉnh đã không ngừng lựa chọn, bổ sung vốn tài liệu, xây dựng kho sách luân chuyển. Hàng năm, ngoài nguồn sách mua theo kinh phí ngân sách cấp, sách chương trình mục tiêu quốc gia, Thư viện tỉnh còn nhận được nguồn sách tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh, các nhà xuất bản. Trung bình mỗi năm thư viện luân chuyển khoảng 3.500 - 4.000 bản sách xuống thư viện huyện, xã, tủ sách dòng họ và trại giam. Năm 2023, thư viện đã luân chuyển 3.680 bản sách xuống 51 điểm trường, thư viện xã, phường, thị trấn. Việc luân chuyển sách về cơ sở đã góp phần xây dựng hệ thống thư viện phát triển bền vững với nguồn tư liệu đa dạng phong phú, thường xuyên được làm mới, thu hút sự quan tâm của độc giả.
Trong quá trình luân chuyển sách phục vụ cơ sở, cán bộ Thư viện tỉnh chủ động tham khảo ý kiến của bạn đọc để lựa chọn, bổ sung vốn tài liệu vào kho luân chuyển cho phù hợp với nhu cầu của cơ sở. Chính vì vậy, sách kho luân chuyển có nội dung phong phú, gồm: chính trị - xã hội, lịch sử, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật, sách thiếu nhi... tương đối đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, cán bộ thư viện còn hướng dẫn thư viện cơ sở cách xây dựng, bố trí tủ sách, kho sách sao cho khoa học, hấp dẫn bạn đọc; hướng dẫn cách tổ chức các hoạt động đọc và giới thiệu sách đến với người dân.
Cùng với đó, Thư viện tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên tham gia Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; khuyến khích các trường học xây dựng mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thông minh”, thường xuyên tổ chức các hoạt động đọc sách, lồng ghép các hoạt động với việc tìm hiểu, kể chuyện theo sách, giới thiệu sách theo chủ đề... Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động, như: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Hội báo xuân; trưng bày, triển lãm sách, báo theo chuyên đề... thu hút nhiều bạn đọc tham gia, góp phần khơi dậy đam mê với sách, xây dựng thói quen đọc sách, từng bước hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng.