Phát triển văn hóa đọc từ các điểm bưu điện văn hóa xã
Các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, phát triển điểm Bưu điện - Văn hóa xã trở thành điểm cung cấp thông tin, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hóa và giải trí của cộng đồng.
Ngày 22/10, Bộ VHTT&DL và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác số 430/CTPHBVHTTDL-BTTTT giữa Bộ VHTT&DL và Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2013 – 2020 trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã (Chương trình PHCT 430).
Hội nghị nhằm tổng kết đánh giá việc thực hiện Chương trình giai đoạn từ 2013 - 2020, những kết quả đã đạt được cùng khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các đơn vị triển khai, Ban tổ chức sẽ tiếp tục xác định phương hướng, nội dung Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, Chương trình PHCT 430 được lãnh đạo hai Bộ ký kết ngày 4/2/2013 với mục tiêu chung tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, phát huy hiệu quả nguồn lực hiện có của hai ngành Bưu điện và Thư viện, tăng cường tổ chức các hoạt động phục vụ sách báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, phát triển Điểm Bưu điện - Văn hóa xã trở thành điểm cung cấp thông tin, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hóa và giải trí của cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thiết thực phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Kết thúc giai đoạn 2013 - 2020, chương trình phối hợp công tác 430 đã đạt được những mục tiêu đề ra. Trong đó có một số chỉ tiêu đáng chú ý như: Các thư viện cấp tỉnh và huyện đã thực hiện hơn 11.000 lượt luân chuyển sách báo đến Bưu điện văn hóa xã với tổng số sách báo đạt gần 2 triệu bản sách, phục vụ ước khoảng 13 triệu lượt người dân đến đọc.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Dương Thế Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL cho biết, về cơ bản, chương trình đã thực hiện được mục tiêu đặt ra, trong đó nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai ngành đã được tăng cường, bổ sung, phát huy. Đồng thời đã đưa bưu điện văn hóa xã thành điểm cung cấp thông tin, văn hóa ở địa phương. Góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở ở một số địa phương.
Qua thực tế triển khai cho thấy, hầu hết các địa phương đã nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ hoặc số lượng bản sách luân chuyển/lần chưa phù hợp, chưa đáp ứng với nhu cầu đọc của nhân dân, đặc biệt là nguồn sách dành cho thiếu nhi và sách thiết yếu khác. Bên cạnh đó, tình trạng mất mát sách, báo trong quá trình luân chuyển, phục vụ vẫn tiếp tục gia tăng. Cơ chế hỗ trợ (phụ cấp thêm) của địa phương cho nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã cho việc kiêm nhiệm thêm hoạt động phục vụ sách, báo hầu như chưa được chính quyền địa phương các cấp quan tâm.
Vì vậy, để tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà cần phải nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vấn đề này. Đồng thời nghiên cứu đưa ra những cách thức triển khai hiệu quả, phù hợp. Rà soát, đánh giá, quy hoạch lại mạng lưới bưu điện văn hóa xã.
Các địa phương đánh giá nghiêm túc về việc phối hợp, triển khai và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt với phát triển văn hóa đọc. Tăng cường đổi mới nội dung phối hợp giữa hai ngành vắn hóa và thông tin truyền thông. Nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ hoạt động phục vụ đọc sách tại bưu điện văn hóa xã.