Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia 'Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch' do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.
Với bề dày lịch sử hơn 700 năm xây dựng và phát triển, Thừa Thiên Huế đã luôn giữ vị thế tuyến đầu trong việc khơi gợi và bảo vệ bản sắc nghệ thuật dân tộc. Đặc biệt, nghệ thuật cung đình, âm nhạc truyền thống Huế mang lại cho nền âm nhạc Việt Nam những âm sắc tinh tế, đa dạng. Nền âm nhạc truyền thống ấy còn gắn kết với nguồn cội dân gian, góp phần lớn trong công cuộc quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương đến với mọi người. Việc phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế không chỉ nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của di sản mà còn mở ra các hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội.
Có 23 tham luận tham gia hội thảo và được chia thành 3 nhóm: Lịch sử đầy biến động của Cố đô Huế; Giá trị nghệ thuật âm nhạc xứ Kinh sư; Kết nối âm nhạc triều Nguyễn với âm nhạc hiện đại. Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu các tham luận tiêu biểu, như “Âm nhạc truyền thống Huế - Lịch sử biến động từ quá khứ đến hiện tại và biểu diễn nghệ thuật minh họa” của TS Nguyễn Phước Hải Trung; “Phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế trong phát triển văn hóa du lịch” của TS. Phan Thanh Hải; “Âm nhạc truyền thống Huế trong tiến trình phát triển du lịch Huế” của ThS. Nguyễn Văn Phúc.