Phát triển văn hóa - Khơi nguồn di sản trong thời đại số - Bài 2: Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn

Chúng ta đã chứng kiến nhiều bài học thực tiễn về những mất mát của di sản văn hóa dân tộc trước sức ép phát triển kinh tế. Trong nhiều trường hợp, người chịu trách nhiệm phải trăn trở, cân nhắc kỹ lưỡng để không đưa ra những quyết định gây tổn hại, ảnh hưởng đến di sản. Làm sao để mỗi người dân được sống tốt và phát triển cùng những di sản đang được gìn giữ, lưu truyền.

Rừng dừa Bảy Mẫu (rừng dừa Cẩm Thanh), cách TP Hội An (Quảng Nam) khoảng 3km, là một trong những điểm đến được hưởng lợi từ di sản

Rừng dừa Bảy Mẫu (rừng dừa Cẩm Thanh), cách TP Hội An (Quảng Nam) khoảng 3km, là một trong những điểm đến được hưởng lợi từ di sản

Tạo sinh kế cho người dân

Bấy lâu nay, nhiều người có suy nghĩ với di sản là phải gìn giữ, bảo tồn… và điều đó cũng được hiểu là di sản chỉ “tiêu tiền”. Song giờ đây, quan niệm ấy đã dần thay đổi, bởi các di sản chính là những “mỏ vàng” nếu như biết nhìn nhận, trân trọng và khai thác hợp lý. Ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, cho rằng, khi những di sản văn hóa có giá trị được khai thác đúng mức sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, địa phương, giúp ngành du lịch, dịch vụ khách sạn, bán lẻ… phát triển, tạo nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo TS Trang Thanh Hiền, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) là một trong những dẫn chứng điển hình khi giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, theo phương châm bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn. Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ trong khu phố cổ mà còn với các di sản văn hóa vùng ven, làng nghề; gắn kết với không gian vùng bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - Hội An, một phần hệ thống sông Thu Bồn, sông Cổ Cò. Không chỉ giữ được cảnh quan, người dân sống ở nơi này cũng được hưởng lợi từ chính di sản và họ đã trở thành một phần không thể thiếu tạo nên sức sống cho di sản. Theo thống kê, số lượng khách tham quan khu phố cổ Hội An ngày càng tăng. Trong 20 năm qua (từ khi trở thành di sản thế giới) ngành du lịch nơi này đã phát triển vượt bậc và hiện chiếm tỷ trọng hơn 70% so với GDP toàn thành phố, bổ sung đáng kể vào nguồn tài chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn khu phố cổ Hội An.

Liên quan đến bảo tồn và phát triển, những người yêu di sản cũng chưa quên việc nhiều người dân ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đã từng ký đơn xin trả lại danh hiệu làng cổ, bởi muốn sửa sang nhà cửa rộng hơn lấy chỗ cho con cháu ở không được; du khách thì đi lại ngó nghiêng; người thân, bạn bè về thăm phải mua vé… Song, đó là chuyện của 10 năm trước. Lúc này đây, khi người dân ở đây đã được tạo sinh kế từ mỗi nếp nhà cổ, thì hơn ai hết, chính họ là người bảo vệ, gìn giữ, tạo ra sức sống cho chính làng di sản này.

Tại Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết, địa phương rất chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, bổ trợ cho sản phẩm du lịch văn hóa - di sản. Đó là cách làm cho di sản vẫn tiếp tục “sống” và phát huy giá trị trong đời sống hiện tại. Nhưng để cho di sản thực sự “sống” thì người dân phải được hưởng lợi, sống được trong lòng di sản. Một điển hình về lợi ích cộng đồng trong việc khai thác di sản là quần thể danh thắng Tràng An. Trước đây, người dân chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công thì nay, hoạt động du lịch tác động đã phát sinh nhiều ngành nghề mới, cơ cấu lao động theo hướng hợp lý hơn, người lao động có cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn trước.

Hiện ở Tràng An có khoảng 4.580 người chèo đò, khoảng 100 hướng dẫn viên. Với phương châm mỗi người làm dịch vụ vừa là người hướng dẫn du lịch, vừa là đại sứ du lịch, đồng thời bảo vệ khu di sản; nên thời gian qua, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý khu di tích Tràng An đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, văn hóa, kỹ năng giao tiếp. Hiện nay, thu nhập bình quân của người chèo đò khoảng 5 triệu đồng/tháng, mùa lễ hội có thể lên hơn 10 triệu đồng/ tháng. Các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, kinh doanh đồ lưu niệm… cũng rất phát triển. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát chầu văn, hát chèo cũng phong phú. Trong khu di sản Tràng An có 5 nhóm nhạc, mỗi nhóm hơn 5-7 người đi hát phục vụ khách du lịch với giá từ 700.000 đồng đến 3,5 triệu đồng/buổi. Đây là hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo công ăn việc làm và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của du lịch Ninh Bình.

Hiện đại và bền vững

Di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm lâu nay là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới du lịch thủ đô. Cuối tháng 2-2024, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội đã xây dựng và đưa vào khai thác tour trải nghiệm “Ngọc Sơn - Đêm huyền bí” với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn. Tour trải nghiệm này đã ứng dụng rất nhiều công nghệ âm thanh, ánh sáng trình chiếu hiện đại để truyền tải đến du khách những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam theo một cách mới mẻ và ấn tượng nhất. Hoạt động này được tổ chức 4 buổi/tuần và lượng khách tham quan không quá 70 người nên chương trình này luôn trong tình trạng “cháy vé”. Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi nhận thức rằng, di sản văn hóa dù giá trị đến mấy vẫn chỉ là tài nguyên. Muốn tạo nên sức hấp dẫn với người dân và du khách thì phải phát huy tối đa giá trị di sản, biến giá trị di sản đó thành sản phẩm văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, chương trình trải nghiệm “Ngọc Sơn - Đêm huyền bí” ra đời là sản phẩm văn hóa mới nhằm phục vụ nhu cầu trải nghiệm của người dân, du khách, cũng như tăng thêm nguồn thu cho thành phố”.

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), xu hướng chung trên thế giới là bảo tồn song song với việc tạo sinh kế cho người dân. Di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi nó được sử dụng và phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một cơ thể sống động trong đời sống của cộng đồng và tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng. Việc tạo ra nguồn thu từ di sản không chỉ làm tăng giá trị của di sản, tăng ý thức của chính người dân trong việc gìn giữ mà còn có thêm nguồn kinh phí để bảo tồn, lưu giữ chính di sản thay vì chỉ trông đợi vào nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước như trước đây. Một trong những mô hình được coi là thành công bước đầu về khai thác kinh tế học di sản chính là di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

“Đêm thiêng liêng” là một sản phẩm du lịch mới do các bạn trẻ thuộc Ban Quản lý khu di tích nhà tù Hỏa Lò thực hiện, đang thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Tour có thuyết minh và giới hạn số người tham gia mỗi đêm, kết hợp âm thanh, ánh sáng và diễn xuất của các diễn viên, mang đến cho khách tham quan những cảm nhận sâu sắc về di tích Hỏa Lò. Tour được chia thành 3 chủ đề: “Sáng ngời tinh thần Việt”, “Sống như những đóa hoa” và “Lửa thanh xuân”, mỗi tour có thời lượng 120 phút. Với mức giá từ 400.000 - 500.000 đồng/tour, khá cao so với chi phí tham quan các di tích khác trên địa bàn Hà Nội, nhưng hầu hết du khách cho rằng trải nghiệm xứng đáng với số tiền bỏ ra. Đó là lý do tour “Đêm thiêng liêng” thường xuyên cháy vé. Đại diện Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò cho biết, tháng 3-2024, di tích đón 60.000 lượt khách. Trong đó, du khách quốc tế chiếm 30%. Điều này cho thấy di sản vẫn có thể có một đời sống mới trong hiện tại, nếu biết cách đầu tư, khai thác phù hợp.

TS PHẠM CAO QUÝ, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL):

Bản lĩnh cộng đồng giúp tăng “kháng thể” để bảo vệ di sản

Bảo tồn di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, chính là tạo được môi trường để di sản sống tại cộng đồng. Phải gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng di sản, tạo điều kiện để mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của di sản. Việc đặt chủ thể di sản là trung tâm trong các dự án phát triển văn hóa địa phương đã mang đến thay đổi rõ rệt về nhận thức giá trị di sản. Minh chứng cụ thể là cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận với nghề làm gốm truyền thống. Từ việc mạnh ai nấy làm, những chủ thể của di sản ngày nay đã có thể tự thuyết minh về di sản gốm Chăm, tìm cách để kể câu chuyện di sản gốm đến với du khách. Bản lĩnh cộng đồng cũng giúp gia tăng “kháng thể” để bảo vệ di sản của cộng đồng. , Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL): Bản lĩnh cộng đồng giúp tăng “kháng thể” để bảo vệ di sản Bảo tồn di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, chính là tạo được môi trường để di sản sống tại cộng đồng.

Phải gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng di sản, tạo điều kiện để mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của di sản. Việc đặt chủ thể di sản là trung tâm trong các dự án phát triển văn hóa địa phương đã mang đến thay đổi rõ rệt về nhận thức giá trị di sản. Minh chứng cụ thể là cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận với nghề làm gốm truyền thống. Từ việc mạnh ai nấy làm, những chủ thể của di sản ngày nay đã có thể tự thuyết minh về di sản gốm Chăm, tìm cách để kể câu chuyện di sản gốm đến với du khách. Bản lĩnh cộng đồng cũng giúp gia tăng “kháng thể” để bảo vệ di sản của cộng đồng.

MAI AN - TRẦN BÌNH - MINH DUY - QUỐC LẬP

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phat-trien-van-hoa-khoi-nguon-di-san-trong-thoi-dai-so-bai-2-bao-ton-de-phat-trien-phat-trien-de-bao-ton-post742158.html