Phát triển văn hóa kinh doanh đem lại thịnh vượng chung

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, thương mại, việc nâng cao nhận thức và phát huy được ưu thế về văn hóa kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tìm kiếm cơ hội để gỡ khó.

Cụ thể, việc phát triển văn hóa kinh doanh có bản sắc theo định hướng bền vững sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước…

Các đại biểu thảo luận về văn hóa kinh doanh tại Diễn đàn đa phương MSF 2023.

Các đại biểu thảo luận về văn hóa kinh doanh tại Diễn đàn đa phương MSF 2023.

Phải thay đổi văn hóa kinh doanh

Tại Diễn đàn đa phương MSF 2023 với chủ đề: “Khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh của Việt Nam hướng tới bền vững và cạnh tranh trong thời kỳ mới” do Samsung Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, văn hóa kinh doanh đã và đang thể hiện vai trò quan trọng thúc đẩy hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nhân, doanh nghiệp bất chấp đạo lý, kỷ cương, xâm phạm những chuẩn mực kinh doanh, không coi trọng chữ “tín” trong kinh doanh. Những vấn đề này khiến văn hóa kinh doanh Việt Nam “chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển”…

Trong khi đó, môi trường kinh doanh quốc tế đang đặt ra những thông lệ và quy chuẩn mới, đặc biệt là về kinh doanh có trách nhiệm, tiêu chuẩn lao động, môi trường… Do vậy, doanh nghiệp phải kịp thời nắm bắt để điều chỉnh và thích nghi, qua đó trở thành những đối tác tin cậy, sáng tạo, đổi mới và sẵn sàng hợp tác.

Với kinh nghiệm dày dặn trong quản lý nhân sự, ông Il Gon Ryu, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nhân sự của Công ty Điện tử Samsung Việt Nam - Thái Nguyên cho rằng, người Việt Nam chăm chỉ, cần cù, siêng năng trong lao động và có tinh thần làm việc nhóm. Việc kết hợp được hai yếu tố này sẽ giúp xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp nói riêng và đóng góp cho văn hóa kinh doanh của Việt Nam nói chung. Ngoài ra, không thể không kể đến sự ủng hộ, trân trọng doanh nghiệp của chính quyền, tạo môi trường thuận lợi cho văn hóa doanh nghiệp phát triển.

Các chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, để xây dựng văn hóa kinh doanh, cần bắt đầu từ chính các doanh nghiệp, mà trước hết là từ những người lãnh đạo. Các doanh nhân phải thực sự có văn hóa, có đạo đức kinh doanh, lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Không chỉ có vậy, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động Việt Nam cần tích hợp thêm các giá trị toàn cầu về chuẩn mực đạo đức kinh doanh và thúc đẩy hợp tác một cách nhanh chóng hơn nữa.

Con người là số một

Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, với tư cách là thành viên của Liên minh Doanh nghiệp có trách nhiệm (RBA), Samsung Việt Nam luôn tập trung vào việc bảo vệ, tôn trọng quyền lao động của nhân viên, người lao động. Samsung Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để nhân viên, người lao động có thể được làm việc an toàn trong một môi trường tuyệt vời nhất và chia sẻ với nhân viên những giá trị cốt lõi của Samsung như: “Con người”, “Vươn tới đỉnh cao”, “Thay đổi”, “Tính liêm chính” và “Cùng thịnh vượng”.

Cụ thể hơn, Giám đốc Quan hệ lao động của Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam - Thái Nguyên Lê Tùng Bách chia sẻ những đặc trưng văn hóa tổ chức doanh nghiệp của Samsung là luôn hướng tới 3 mục tiêu quan trọng: “Con người là số 1 - Sản phẩm là số 1 - Môi trường là số 1”.

Phân tích đặc trưng văn hóa doanh nghiệp của Samsung “Con người là số 1”, ông Lê Tùng Bách cho biết, doanh nghiệp lấy con người làm cốt lõi, là giá trị được đặt lên hàng đầu. Đây là kim chỉ nam giúp Samsung tồn tại và phát triển vững mạnh cho tới nay. Việc trọng dụng tài năng tại Samsung thể hiện qua việc doanh nghiệp hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để giới thiệu cơ hội làm việc tới các sinh viên tiềm năng; tổ chức tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp với quy mô hàng nghìn ứng viên. Mọi nhân viên đều có cơ hội cạnh tranh công bằng và phát triển toàn diện. Hằng năm, doanh nghiệp đều có các giải thưởng để khích lệ nhân viên xuất sắc...

Cũng theo ông Choi Joo Ho, Samsung Việt Nam áp dụng Chỉ số văn hóa Samsung (Samsung Culture Index) nhằm tiến hành đánh giá định kỳ các cấp quản lý và nhân viên. Quá trình này giúp doanh nghiệp phát hiện ra những điểm mạnh, điểm hạn chế trong văn hóa tổ chức, hướng tới khai thác triệt để điểm mạnh và tích cực xử lý các tồn tại.

Theo ông Phạm Tấn Công, văn hóa kinh doanh tạo nên hình ảnh, diện mạo và thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp. Việc tạo dựng văn hóa kinh doanh giàu bản sắc Việt Nam cũng là một xu thế vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển bền vững.

Quan điểm này cũng được ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tình và nhấn mạnh thêm rằng, với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam theo hướng cạnh tranh và bền vững.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-van-hoa-kinh-doanh-dem-lai-thinh-vuong-chung-645833.html