Phát triển văn hóa ngang hàng với các lĩnh vực trọng yếu khác

Sáng 21-3, thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học 'Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'. Hội thảo nhằm nhận diện rõ và sâu sắc hơn nữa các giá trị, nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Quang cảnh Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Dự hội thảo có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Về phía khách mời, dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành: Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang…; các chuyên gia, nhà khoa học.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự hội thảo.

Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách nguy nga, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền, miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ…

Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

“Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm", được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”..., thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Bí Thư Thành ủy Hà Nội cho biết.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, trong các cương lĩnh chính trị, các Nghị quyết của Đảng đều rất quan tâm đến phát triển văn hóa. Đặc biệt đến Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”.

Thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao...

Thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố.

“Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đang quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực của tình hình thế giới, tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với tinh thần đổi mới quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực”, đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Bí thư Thành ủy cũng cho biết, Thành ủy đã chỉ đạo, đôn đốc, nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ nhằm khơi thông nguồn lực cho Thủ đô; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất...

[Toàn văn bài phát biểu khai mạc hội thảo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng]

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Phát huy giá trị văn hóa hơn ngàn năm

Tham luận tại hội thảo, Giáo sư Hồ Sĩ Quý khẳng định, bản sắc văn hóa Hà Nội nằm trong tổng thể văn hóa Việt Nam, đồng thời cho rằng, rất nhiều di tích, di sản của Hà Nội đến nay đã gần như trở thành biểu tượng. So sánh với các di sản văn hóa ở nhiều quốc gia, thì hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Núi Nùng, đền Cổ Loa, Ô Quan Chưởng... hầu hết đều là “vật thể” mang giá trị của lịch sử.

GS.TS Hồ Sĩ Quý phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Hồ Sĩ Quý phát biểu tại hội thảo.

Ngoài ra, văn hóa Hà Nội còn là kết tinh của những nền văn hóa khác, trong đó có văn hóa Pháp. Có thể thấy, một số địa danh du lịch có tiếng của Hà Nội hiện nay như: Nhà Kèn, Nhà hát Lớn, Hỏa Lò, ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên, Nhà thờ Lớn, chợ Đồng Xuân... đều là những di sản có giá trị vật thể bên cạnh các giá trị văn hóa phi vật thể đã được lưu giữ hơn ngàn năm qua của Hà Nội.

Nhìn nhận văn hóa từ góc nhìn phát triển đô thị, GS.TS Trương Quang Hải cho rằng, Hà Nội là thành phố có sông Hồng chảy qua, có hệ thống đường bộ, giao thông phát triển, có nhiều di tích ven sông... Với điều kiện đặc thù thiên nhiên, địa hình thuận lợi, Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài, kết tinh, lan tỏa văn hóa của cả nước.

GS.TS Đỗ Thị Minh Đức phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Đỗ Thị Minh Đức phát biểu tại hội thảo.

Còn theo GS.TS Đỗ Thị Minh Đức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội được biến đổi theo thời gian, theo những quy hoạch đô thị từng thời kỳ. Trong đó, sông Hồng đang ngày càng thể hiện là một tài nguyên quý giá trong quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội.

Cho đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có 8 cây cầu qua sông Hồng: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh và Văn Lang. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu nữa bắc qua sông Hồng. Ngoài ra, vùng Thủ đô với Thủ đô Hà Nội là đô thị hạt nhân đặc biệt và 9 tỉnh xung quanh là các đô thị vệ tinh gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang đang tạo ra giá trị lớn cho việc hội tụ, lan tỏa văn hóa Hà Nội, giúp cho văn hóa Hà Nội phong phú và đa dạng hơn.

Ngoài việc đánh giá những lợi thế to lớn về giá trị, nguồn lực văn hóa để Hà Nội phục vụ công cuộc phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, các chuyên gia cũng chỉ ra một số hạn chế, nhược điểm trong việc xây dựng văn hóa Hà Nội trong thời đại mới. Nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Theo PGS Lê Quý Đức, hiện nay, nhiều người từ các nơi khác về Hà Nội vẫn mang tâm lý về Thủ đô để làm ăn, sinh sống, chưa có ý thức xây dựng mình thành người Hà Nội.

“Việc giáo dục con cái, thế hệ trẻ trong những gia đình, dòng họ ở Hà Nội đang là vấn đề lớn đặt ra. Đặc biệt, với những gia đình từ các địa phương khác đến Hà Nội, cần coi Hà Nội không chỉ là nơi sinh sống, làm việc, mà còn cần là nơi gắn bó, yêu thương”, PGS Lê Quý Đức bày tỏ.

Để xây dựng, phát huy giá trị văn hóa của người Hà Nội với sự kế thừa và giao thoa, PGS.TS Phạm Duy Đức đưa ra 4 nhóm giải pháp, nhấn mạnh đến việc Hà Nội cần tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo ở Thủ đô, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống cũng như văn hóa trong thời đại mới.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ phát biểu tại hội thảo.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, việc thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu xây dựng con người văn minh cũng đồng nghĩa đòi hỏi mọi người phải luôn vươn lên tầm cao của văn hóa. “Nền văn minh chúng ta nói hôm nay không còn giống như nền văn minh qua các thời kỳ lịch sử từ trước tới nay. Trong những thập kỷ gần đây, loài người đã đạt được những thành tựu kỳ diệu của trí tuệ con người. Khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì lẽ đó, xây dựng Thủ đô văn minh ngày nay phải được nhìn với mọi góc độ, từ bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng kế thừa, phát huy những giá trị của nền văn hiến ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội phải không ngừng tìm tòi, phát huy, sáng tạo, có quyết tâm lớn để không ngừng nâng cao trí tuệ, phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn của mình trong học tập và lao động", PGS Nguyễn Chí Mỳ nêu.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu nhiều giải pháp để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội, tạo thành nguồn lực góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Chiều nay, hội thảo sẽ tiếp tục nghe tham luận của các đại biểu. Báo Hànôịmới tiếp tục cập nhật về sự kiện này.

Nhóm PV HNMO - Ảnh: Viết Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1058832/phat-trien-van-hoa-ngang-hang-voi-cac-linh-vuc-trong-yeu-khac