Phát triển văn hóa Thủ đô từ giá trị sáng tạo - Bài 1: Sinh khí mới từ thành phố sáng tạo

LTS: Sau 5 năm Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, nhân dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đã bước đầu hình dung về giá trị sáng tạo và lợi ích to lớn của giá trị này trong việc kiến tạo văn hóa Thủ đô tương lai. Vấn đề của Hà Nội chính là cần thêm những con người mang phẩm chất sáng tạo để triển khai những mô hình hiệu quả, cách làm đột phá. Qua đó, Hà Nội không chỉ là hình mẫu giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa-lịch sử mà còn đi đầu lan tỏa giá trị sáng tạo, thúc đẩy cho các thành phố sáng tạo trong cả nước.

Bài 1: Sinh khí mới từ thành phố sáng tạo

Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế vào tháng 10-2019, liền ngay sau đó, đại dịch Covid-19 ập đến khiến việc thực hiện cam kết và triển khai các dự án sáng tạo của Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với việc ban hành nhiều kế hoạch, cơ chế, chính sách thúc đẩy, Hà Nội vượt qua khó khăn khách quan, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Định vị thương hiệu

Dạo bước trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân và khu phố cổ Hà Nội, chúng tôi ấn tượng với không gian nghệ thuật độc đáo. Cầu được sắp đặt, thắp sáng, trang trí như thủy cung với nhiều họa tiết sinh động về các loài cá, sóng sông Hồng... trong đó có sử dụng vật liệu tái chế. Là người hằng ngày đi lại qua cầu, anh Đỗ Ngọc Hùng (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) phấn khởi nói: “Mỗi lần đi qua đây, tôi rất vui và như được tiếp thêm nguồn năng lượng cho một ngày làm việc tích cực”.

 Biểu diễn nghệ thuật tuồng trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, tháng 11-2023. Ảnh: VIỆT TRUNG

Biểu diễn nghệ thuật tuồng trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, tháng 11-2023. Ảnh: VIỆT TRUNG

Nằm cách cầu đi bộ Trần Nhật Duật khoảng 15km, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Kiến trúc của trung tâm lấy cảm hứng hình ảnh bàn xoay động như quá trình người thợ gốm thổi hồn tác phẩm. Trung tâm tích hợp nhiều chức năng, chia theo không gian khác nhau, thuận tiện cho công chúng đến tham quan, mua sắm, vui chơi...

Không gian sáng tạo là một khái niệm mới, bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, sự sáng tạo của người Hà Nội xuất hiện từ nhiều năm trước trong quá trình lao động sản xuất. Nằm yên bình trong Làng lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), kể từ năm 2017, Hợp tác xã Vụn Art không chỉ là nơi giúp đỡ những mảnh đời khuyết tật có công ăn việc làm ổn định mà thực sự trở thành không gian sáng tạo độc đáo. Từ những mảnh vải vụn tưởng chừng bỏ đi, qua đôi bàn tay khéo léo đã biến thành tác phẩm nghệ thuật, như: Tranh ghép vải, túi vải họa tiết, ví vải, áo phông... Anh Lê Việt Cường, người sáng lập Hợp tác xã Vụn Art cho biết: “Vụn Art mong muốn nhân rộng mô hình giúp người khuyết tật làm ra sản phẩm tại nhà, hợp tác với các thương hiệu thời trang lớn trong nước cũng như nghiên cứu sản phẩm mới có tính ứng dụng cao và làm phong phú cho sản phẩm du lịch của Thủ đô”.

Hiện nay, Hà Nội có 124 không gian sáng tạo, tiêu biểu là những mô hình, như: Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, bích họa Phùng Hưng, kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những tổ hợp vui chơi, giải trí bên trong các nhà máy, xí nghiệp cũ cho thấy nhu cầu cấp thiết về không gian văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo dành cho giới trẻ. Tiêu biểu tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm-khu công nghiệp cũ đã trở thành sân chơi cộng đồng rộng mở cho nghệ thuật và văn hóa. Hơn 200.000 người đến thăm địa điểm này và tận hưởng 20 hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là con số biết nói.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, Hà Nội đã làm rất thành công, kết nối mạng lưới với hội nghề nghiệp, chuyên gia, không gian sáng tạo và có những bước đi tiên phong cho nhiều thành phố khác trên cả nước xây dựng thành phố sáng tạo.

Tạo nên không khí sáng tạo sôi động

Ngay khi trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã triển khai hàng loạt cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo được phát động, như: Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội; Thiết kế Km số 0; Hà Nội sáng tạo; Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội...; một loạt tuyến phố đi bộ, không gian văn hóa sáng tạo ra đời: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trần Nhân Tông-công viên Thống nhất; không gian văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm; không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân... Các lễ hội thiết kế sáng tạo, lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam, Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo... được tổ chức thường niên, đi kèm các hoạt động văn hóa, tọa đàm chuyên sâu, trưng bày, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, tương tác sáng tạo cho cộng đồng đã và đang tạo nên không khí sáng tạo sôi động bao trùm thành phố.

Một trong những thành công của Hà Nội là giúp người dân hiểu về vai trò, giá trị của việc phát triển thành phố sáng tạo. Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết: “Việc đầu tiên khi phát triển Thành phố sáng tạo là tuyên truyền để thay đổi nhận thức người dân. Trước đây nhiều người chưa hiểu thiết kế là gì, Thành phố sáng tạo là như thế nào, tại sao phải gia nhập, tham gia mạng lưới có tốn kém không và được gì? Song song với nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động thực hiện cam kết và thúc đẩy phát triển sáng tạo, Hà Nội còn nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ các thành phố khác trong nước và khu vực để tạo nên một mạng lưới Thành phố sáng tạo vững chắc”.

Với vị thế là “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, là mảnh đất nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ nhiều giá trị di sản văn hóa, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển Thành phố di sản, kết hợp với Thành phố sáng tạo để tạo sức bật mới giúp Thủ đô bứt phá. GS, TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa phi vật thể (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: “Hà Nội đã rất thành công trong việc ban hành hệ thống văn bản, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển Thành phố sáng tạo. Bên cạnh những sáng tạo mới, trong thời gian tới, Hà Nội cần chú trọng tới sáng tạo truyền thống bởi đây là mảnh đất có nhiều lễ hội và làng nghề truyền thống. Việc phục dựng các lễ hội truyền thống, phát huy mô hình sáng tạo làng nghề kết hợp với những sáng tạo mới sẽ giúp Hà Nội thật sự trở thành kinh đô sáng tạo của đất nước”.

Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, đến nay thu hút 300 thành phố trên thế giới, tham gia ở 7 lĩnh vực sáng tạo: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; thiết kế; điện ảnh; ẩm thực; văn học; nghệ thuật truyền thông; âm nhạc. Trong đó, 6 sáng kiến và cam kết của Hà Nội với UNESCO, gồm: Xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; phát triển và hỗ trợ không gian sáng tạo; sản xuất chương trình truyền hình về các tài năng sáng tạo; lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; tổ chức diễn đàn mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO tại Đông Nam Á và mạng lưới các nhà thiết kế trẻ sáng tạo.

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/phat-trien-van-hoa-thu-do-tu-gia-tri-sang-tao-bai-1-sinh-khi-moi-tu-thanh-pho-sang-tao-796031