Phát triển văn hóa từ sức mạnh 'đại đoàn kết toàn dân'
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tựu đạt được. Đảng bộ, Nhân dân xã Hà Tiến khắc phục những hạn chế, bất cập tiếp tục vượt mọi khó khăn thách thức đoàn kết phấn đấu phát triển xã vững mạnh toàn diện, bền vững.
Nằm ở phía Tây giáp với di tích Chiến khu Ngọc Trạo huyện Thạch Thành, xã miền núi Hà Tiến, huyện Hà Trung (6,7 ngàn dân) là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng, tiềm năng di sản quý giá từ nhiều thế hệ để lại: “Di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Bãi Sậy (làng Bái Sơn)”, một căn cứ huấn luyện chính trị, quân sự cấp tốc cho tự vệ và Việt Minh của 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa (năm 1945); di tích văn hóa quốc gia “Đình làng Động Bồng”, địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất (năm 1949); giai thoại hào hùng về đội quân tóc dài năm xưa, “Trung đội dân quân gái Đồng Ô bắn cháy tàu bay Mỹ” được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng huy hiệu (năm 1967); Đảng bộ và nhân dân xã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng” (năm 2000)… Quần thể thắng tích “phủ, từ, tự” đa dạng phong phú qua bao biến cố lịch sử, thời gian vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, được nhà nước xếp hạng bảo vệ, nhân dân tu bổ tôn tạo. Với các lễ hội truyền thống được xem là “Bảo tàng sống” đặc sắc tiêu biểu về văn hóa dân gian, đậm đà bản sắc được khôi phục tái hiện tại các điểm di tích Đền thờ Nguyệt Nga Công chúa (ngày 11/01 âm lịch), tục “đốt đình liệu” tại đình Động Bồng (di tích quốc gia) vào đêm 30 tết nguyên đán, lễ hội đình Bái Sơn (10/2 âl)… thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia hưởng thụ, sáng tạo…

Di tích lịch sử quốc gia Đình làng Đồng Bồng trước khi trùng tu tôn tạo.
Trao đổi với nữ cán bộ trẻ Bùi Thị Thanh Tâm, công chức Văn hóa - Xã hội xã, được biết: Trong nhiều nhiệm kỳ qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tích cực phát triển văn hóa cơ sở (VHCS), xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo QP - AN, xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể vững mạnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” chuyển biển tích cực, toàn xã có 10/10 làng đạt danh hiệu làng văn hóa (LVH), làng Bái Sơn đạt làng kiểu mẫu, trên 87% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH), thực hiện tốt quy ước, hương ước, quy chế nhà văn hóa - khu thể thao (NVH - KTT) thôn, xã.
Chị Tâm khẳng định rằng, lĩnh vực Văn hóa - Thông tin - Thể thao (VH-TT-TT) được duy trì đồng bộ, chuyển biến tích cực và hiệu quả qua các hoạt động thông tin cổ động, văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ - nhà văn hóa, bảo tồn di tích, đọc sách báo, thể thao và đài truyền thanh. Mỗi năm, xây dựng ít nhất 40 cụm pa nô áp phích, 60 băng rôn khẩu hiệu, khẩu hiệu tường, phát thanh lưu động nhiều buổi...; duy trì 20 đội văn nghệ quần chúng (VNQC) với trên 200 người, 12 câu lạc bộ (CLB) dân ca, nhóm sở thích với 625 lượt người; 10 CLB dân vũ, 1 CLB dưỡng sinh, 1 CLB hương đồng nội, 10 CLB bóng chuyền hơi, CLB bóng đá… Người tham gia các hoạt động trên là những “nghệ nhân” nghiệp dư nhiệt tình, tự nguyện “vác tù và” đã “sáng tạo” sản phẩm gọi là “cây nhà lá vườn” phục vụ nhân dân trên 4 ngàn lượt người. Kết quả xây dựng NTM đã có 10/10 Nhà văn hóa - Khu thể thao (NVH-KTT) thôn, xã duy trì tủ sách và đọc sách báo, gắn với hệ thống thiết chế, quy chế dần đi vào nề nếp, hiệu quả.
Nội dung, hình thức hoạt động đa dạng, phong phú: Xây dựng được nhiều chương trình, tiết mục ca khúc, hát chèo, dân ca, dân vũ “trình làng, xã”; tổ chức hội diễn, hội thi, liên hoan, giao lưu văn nghệ các CLB thôn, làng và tham gia hội diễn, hội thi cấp huyện, giao hữu, thi đấu thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em, mở lớp học nâng cao dân trí, tiếp nhận thông tin, dịch vụ phục vụ nhân dân; tổ chức các hội nghị, sự kiện… thu hút hàng ngàn lượt người tham gia, thực sự là những ngày hội lớn, động viên tinh thần cổ vũ thi đua thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Hội làng tại di tích văn hóa đình làng Bái Sơn
Ban chủ nhiệm NVH-KTT thôn thành lập theo quyết định của UBND xã từ 5 - 7 người (hoạt động kiêm nhiệm), tự quản, tự trang trải từ nguồn kinh phí xã hội hóa và ngân sách xã phân bổ cho VH-TT-TT (hàng trăm triệu đồng/năm). Vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị hoạt động phù hợp với khả năng tài chính, nâng cao ý thức sử dụng gắn với quản lý, khai thác có hiệu quả giá trị cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - thể thao.
Về xây dựng nếp sống văn hóa (NSVH), chị cho hay: Việc cưới cho con em theo nếp sống văn hóa và quy định của luật pháp. Đôi nam nữ tự nguyện đến UBND xã để đăng ký kết hôn, không có tình trạng bố mẹ và người thân gia đình cản trở kết hôn, ép duyên, tảo hôn. Tổ chức tiết kiệm, vui tươi lành mạnh, không sử dụng thuốc lá, kéo dài ngày, phô trương hình thức, không lợi dụng việc cưới để trả ơn hay thu lợi cá nhân; âm thanh ca nhạc vừa đủ nghe (sáng từ 6 giờ, tối đến 22 giờ đêm), không phát những bài hát phản cảm, không tụ tập chơi bài ăn tiền. Vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh 1 - 2 con để có điều kiện nuôi dạy con tốt. Thực hiện bình đẳng giới không phân biệt đối xử, con trai hay con gái, không sử dụng bạo lực gia đình, xâm hại thân thể người khác, có trách nhiệm nuôi dạy con nên người.
Còn việc tang lễ do trưởng làng, ban công tác mặt trận, các đoàn thể cùng gia đình phối hợp tổ chức. Nhân dân đến chia buồn, dự tang lễ, tiễn đưa người qua đời về nơi an nghỉ cuối cùng thể hiện đạo lý, thành kính. Thực hiện quy định giữ vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục, nghiêm cấm rải tiền VNĐ dọc đường. Người chết không để trong nhà quá 48 giờ, có bệnh truyền nhiễm không quá 24 giờ. Không phát loa cường độ lớn, quá 22 giờ đêm, không tổ chức tụng kinh nhiều giờ, nhiều ngày, không sử dụng thuốc lá. Khi cải táng (từ 36 tháng trở đi) phải báo cáo với chính quyền, trưởng thôn, trả lại mặt bằng theo hương ước, nội quy của ban quản lý nghĩa trang và các hộ đã ký cam kết; xây lăng mộ đúng nơi quy định, tiết kiệm đất đai, nghiêm cấm xây lăng mộ trái phép làm mất vẻ đẹp cảnh quan, trưởng thôn chịu trách nhiệm phối hợp quản lý nghĩa trang...

Trung đội nữ dân quân xã Hà Tiến
Là địa phương có nhiều di tích và các lễ hội diễn ra không cùng thời điểm, vậy kinh nghiệm quản lý, tổ chức để có hiệu quả? Tôi hỏi. Chị chia sẻ: “Các lễ hội truyền thống được tổ chức tại điểm di tích, UBND xã giao cho cấp ủy thôn, tiểu ban quản lí di tích tiếp nhận, ghi chép và chủ động chi phí để hoạt động. Ban quản lý di tích xã gồm Chủ tịch UBND xã kiêm trưởng ban, Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa kiêm phó ban, công chức VHXH, đại diện các ban ngành, đoàn thể, các thôn có di tích là thành viên ban, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, tự trang trải kinh phí. Hoạt động đài truyền thanh được duy trì, phát huy hiệu quả tốt; thực hiện tiếp sóng đài huyện, đài xã phát vào buổi sáng và chiều hàng ngày, thời lượng phát sóng 30 phút/buổi; công chức văn hóa - xã hội quản lý nhà nước, cán bộ bán chuyên trách trực tiếp phụ trách đài, khi có phát sinh báo cáo Chủ tịch UBND xã để chỉ đạo”.
Chia sẻ về trách nhiệm xã hội và vấn đề gia đình, chị tâm sự: “Được cấp ủy, chính quyền và ngành dọc cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi đã nỗ lực phát huy khả năng cá nhân cùng với nhiệt tình đắc lực của các cộng sự khắc phục khó khăn sắp xếp để hoàn thành tốt nhiệm vụ; chồng tôi làm việc ở một doanh nghiệp xa nhà, những lúc về với gia đình anh tận dụng thời gian đỡ đần vợ nấu ăn, dọn dẹp, đưa đón con đi học… vì vậy việc công, việc nhà vẹn cả đôi đường”. Chị Tâm là một đảng viên trẻ được đào tạo cơ bản chuyên ngành Du lịch, Đại học quản lý nhà nước, Trung cấp lý luận chính trị, đảm nhận vị trí công chức Văn hóa - Xã hội xã, hưởng hệ số 3,33/tháng…
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Phát triển kinh tế của xã đứng ở vị trí top 10/20 xã của huyện, tốc độ tăng GDP bình quân 11,7%/năm, thu nhập bình quân đầu người 57 triệu đồng/người/năm,… Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tựu đạt được. Đảng bộ, Nhân dân xã Hà Tiến khắc phục những hạn chế, bất cập tiếp tục vượt mọi khó khăn thách thức đoàn kết phấn đấu phát triển xã vững mạnh toàn diện, bền vững. Hệ thống Di sản văn hóa - tài sản quý giá cha ông để lại là sự kết nối lịch sử quá khứ - hiện tại - tương lai đã và đang được cấp trên quan tâm ủng hộ giúp đỡ, cùng với nhân dân trong xã bảo tồn phát huy nhân lên giá trị, góp phần xây dựng NTM mới, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đạt nhiều thành tích mới trên quê hương Hà Tiến anh hùng”.