Phát triển vận tải biển: Thiếu từ nhân lực đến hạ tầng

Dù vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hàng hóa cao, ổn định nhưng vận tải đường biển chưa phát triển xứng tầm lợi thế quốc gia.

Thiếu hụt từ nhân sự đến hạ tầng

Theo báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng Việt Nam 2024 - 2028 được Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề logistics (LIRC) thực hiện, qua thu thập phân tích và khảo sát 42 doanh nghiệp với tất cả phân ngành cảng cho thấy, nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp cảng biển của Việt Nam đối với khối điều khiển phương tiện thiết bị và khối khai thác, kỹ thuật, bốc xếp (lao động trực tiếp) luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Phát triển vận tải biển thiếu từ nhân lực đến hạ tầng. Ảnh: asg.net.vn

Phát triển vận tải biển thiếu từ nhân lực đến hạ tầng. Ảnh: asg.net.vn

Trong khi nhiều vị trí đang thiếu hụt nhân sự nhưng lại khó tuyển dụng. Nguyên nhân là do ứng viên thiếu kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng chuyên môn; ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo ngành cảng; thiếu chứng chỉ nghề chuyên ngành; thời gian và môi trường lao động khắc nghiệt; mức lương cạnh tranh; yêu cầu cam kết làm việc dài hạn…

Từ thực tế ở Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho biết: Những năm qua, hoạt động của dịch vụ logistics tại TP. Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như Đồng bằng sông Hồng. Theo Sách trắng Logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam, dự báo đến năm 2025 Hải Phòng sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics; trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo. Con số này sẽ tăng lên 460.000 lao động vào năm 2030, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng mới chỉ đáp ứng khoảng 40 - 45% nhu cầu thị trường.

Không chỉ thiếu về nhân lực mà cơ sở hạ tầng cũng cần phải bàn. Chia sẻ trong một hội thảo về thực trạng hàng hải Việt Nam, giới chuyên gia cho hay: Nền kinh tế định hướng xuất khẩu đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến nhiều cảng biển Việt Nam hoạt động gần như tối đa công suất. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt còn kém phát triển đã dẫn đến nhiều hệ lụy như tắc nghẽn, chậm trễ, gia tăng chi phí hậu cần...

Để phát triển cũng như đứng vững trước thách thức thời đại, mọi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải cần nỗ lực đổi mới và số hóa, giúp Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng hàng hải của đất nước.

Việt Nam là thành viên tích cực của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), đồng thời đang theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Cam kết Net Zero của Việt Nam đến năm 2050 bao gồm kế hoạch phát triển cảng xanh đầy tham vọng, khiến thời điểm này là cơ hội nhưng cũng đầy thách thức với ngành hàng hải Việt Nam. Để đạt được những mục tiêu này vào năm 2050, toàn bộ ngành hàng hải Việt Nam cần phải hiểu rõ các điều kiện cần thiết mang tính chiến lược.

Giải pháp cho vấn đề

Báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng Việt Nam 2024 - 2028 cũng chỉ ra 5 xu hướng phát triển ngành cảng trong giai đoạn 2024-2028 có tác động rõ rệt đến nhu cầu nhân sự ở cấp vận hành cảng, bao gồm: Cảng điện tử và cảng thông minh; thiết bị xếp dỡ tự hành; cảng xanh (sử dụng nhiên liệu sạch); robot và tự động hóa; trí tuệ nhân tạo (AI).

Đánh giá của các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam, từ năm 2024 - 2028 khối nhân sự tại cảng biển sẽ có sự thay đổi mạnh về nhu cầu, đặc biệt ở các cấp vận hành thiết bị, phương tiện và cấp khai thác, kỹ thuật trực tiếp tại cảng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, sự tương quan giữa xu hướng phát triển cảng biển trong thời gian tới đều liên quan đến số hóa, tự động hóa và công nghệ, đặc biệt trong các phương tiện thiết bị vận hành tại cảng. Những xu hướng này đã và đang diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo trình độ, kỹ năng phù hợp, đặc biệt là nguồn nhân lực tại các cảng địa phương.

Với khối khai thác, kỹ thuật, bốc xếp trực tiếp tại cảng, dự báo cũng chỉ ra các vị trí nhân lực có nhu cầu gia tăng thời gian tới như: Nhân viên kỹ thuật sửa chữa bảo trì cơ sở hạ tầng; nhân viên kỹ thuật sửa chữa bảo trì thiết bị xếp dỡ, container; nhân viên giao nhận kho, bãi; nhân viên kỹ thuật giám định, vệ sinh, sửa chữa container; nhân viên thương vụ.

Trước thực trạng này, báo cáo đề xuất: Cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét đưa nội dung về đào tạo, đào tạo lại, đào tạo kỹ năng về cảng và cảng biển vào chương trình đào tạo, phát triển kỹ năng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thể chế hóa mô hình gắn kết doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực thông qua Hội đồng kỹ năng nghề.

Nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Cần xác định vị trí công việc mà doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động ở mức cao làm cơ sở cho việc xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo và cập nhật các mã ngành đào tạo hiện có, nhằm đáp ứng những thay đổi của môi trường làm việc; chủ động thúc đẩy việc gắn kết trong đào tạo với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận công việc thực tiễn phù hợp với ngành/nghề được đào tạo và tham gia học kỳ doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp nên chủ động hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực bằng cách cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ cho các vị trí công việc cụ thể. Từ đó làm cơ sở giúp cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh chính sách, chỉ tiêu và chuẩn đào tạo liên quan, cũng như giúp các trường điều chỉnh chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng đầu ra gần với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xu hướng phát triển của ngành…

Ở cấp địa phương, nâng cao năng lực dự báo, thống kê và có kế hoạch phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phù hợp yêu cầu của thị trường lao động của địa phương, nhất là kỹ năng tương lai, ngành, nghề mới về cảng và cảng biển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp được đăng ký đào tạo các ngành, nghề về cảng phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên cơ sở đó, được biết TP. Hải Phòng sẽ chú trọng đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cao, nhất là cho công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cảng biển, logistics; đồng thời phát triển đội ngũ kỹ sư, nhà quản trị có khả năng ứng dụng công nghệ và phát triển các dịch vụ hiện đại như ngân hàng, tài chính, logistics, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phân phối bán lẻ, tư vấn, dịch vụ phát triển kinh doanh.

Hiện, TP. Hải Phòng đã tăng cường mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế về đào tạo nhân lực có tay nghề cao, nhân lực khoa học - công nghệ biển; thực hiện đặt hàng đào tạo nhân lực trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cấp độ quốc gia, quốc tế…

Từ thực tế logistics hiện nay, giải pháp cho hệ thống cảng biển Việt Nam được khuyến cáo: Cần tăng cường ứng dụng công nghệ quy trình tự động hóa hoặc ít nhất cũng là bán tự động để tạo sự đột phá trong tiết giảm chi dịch vụ logistics cho chính cảng biển cũng như doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp nhằm đáp ứng xu thế hiện nay về phát triển cảng xanh và cảng thông minh, từ đó tối ưu hóa vận hành cảng biển, giảm chi phí logistics.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-van-tai-bien-thieu-tu-nhan-luc-den-ha-tang-344560.html