Phát triển vật liệu xây không nung và sử dụng tro, xỉ thạch cao: Thực tế chưa như kỳ vọng

Qua 10 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) và gần 4 năm thực hiện Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao..., những kết quả đạt được trong thực tế vẫn chưa như kỳ vọng.

Ngày 6/11, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao.

Ảnh; VGP/ Toàn Thắng

Ảnh; VGP/ Toàn Thắng

Trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Sau 10 năm thực hiện Chương trình 567, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng VLXKN ở nước ta đã có sự chuyển biến tích cực; các công nghệ mới, thiết bị mới sản xuất VLXKN đã từng bước được đầu tư, phát triển; các sản phẩm VLXKN được đa dạng phong phú về chủng loại, chất lượng từng bước được hoàn thiện và nâng cao; công tác thanh kiểm tra từng bước đi vào nề nếp.

Kết quả đạt được chưa như kỳ vọng

Theo báo cáo Tổng kết chương trình 567 của 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về cuối năm 2020 và số liệu điều tra của Bộ Xây dựng, các chủng loại VLXKN đã được đầu tư, phát triển trong thời gian qua bao gồm: gạch bê tông (gạch xi măng-cốt liệu); gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp; gạch bê tông bọt; tấm bê tông rỗng đùn ép (Acotec); tấm tường bê tông khí chưng áp,...

Tính đến hết năm 2018, số lượng cơ sở sản xuất gạch không nung khoảng 2.500 cơ sở với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 12,6 tỷ viên QTC/ năm, chiếm trên 30% tổng công suất thiết kế vật liệu xây.

Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2020, do khó khăn về tiêu thụ, nhiều cơ sở sản xuất có công suất nhỏ đã buộc phải dừng sản xuất, số cơ sở sản xuất vật liệu không nung hiện nay đang hoạt động khoảng trên 1.600 cơ sở; nhiều cơ sở phải giảm sản lượng sản xuất.

Tổng công suất thiết kế còn khoảng 10,2 tỷ viên QTC/năm (chiếm khoảng gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây).

So sánh với mục tiêu của Chương trình 567 về phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỉ lệ 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020, kết quả sau 10 năm thực hiện Chương trình, tỉ trọng VLXKN trên tổng lượng vật liệu xây (xét về công suất thiết kết) đạt xấp xỉ ở ngưỡng thấp so với mục tiêu của Chương trình đã đặt ra; song sản lượng sản xuất thì chỉ bằng 45-50% công suất thiết kế.

Về kết quả Đề án đẩy mạnh xử lý sử dụng tro, xỉ, thạch cao, Bộ Xây dựng cho biết theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà máy nhiệt điện BOT, tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước a khoảng 34,5 triệu tấn tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm.

Sản phẩm từ tro, xỉ nhiệt điện của Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Sản phẩm từ tro, xỉ nhiệt điện của Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường. Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Trong đó, EVN tiêu thụ được khoảng gần 23 triệu tấn, TKV tiêu thụ được khoảng hơn 6 triệu tấn; PVN tiêu thụ được khoảng gần 1,5 triệu tấn và các nhà máy còn lại (BOT và các chủ đầu tư khác) tiêu thụ được khoảng 4 triệu tấn.

Cụ thể, tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực làm phụ gia khoáng cho xi măng, ước khoảng 24 triệu tấn (70%); sản xuất gạch đất sét nung và gạch không nung ước khoảng 4 triệu tấn (12%); làm phụ gia cho sản xuất bê tông tươi, bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt) ước khoảng 3 triệu tấn (8%) và làm vật liệu san lấp, đắp đường giao thông các loại khoảng 3,5 triệu tấn (9%).

Đánh giá tình hình tiêu thụ tro xỉ của Bộ Xây dựng cho thấy, một số nhà máy nhiệt điện tiêu thụ khá tốt như: miền Bắc gồm: nhiệt điện Uông Bí, Ninh Bình (100%), Hải Phòng (98%), Thái Bình, Phả Lại (71%); miền Trung gồm Nghi Sơn 1, Formosa Hà Tĩnh; miền Nam có Duyên Hải 3 (85%).

Trong khi đó một số nhà máy có lượng tro, xỉ phát sinh lớn nhưng lượng tiêu thụ còn ít như tại miền Bắc là nhiệt điện Mông Dương I; nhiệt điện Cẩm Phả I, II; nhiệt điện Quảng Ninh I, II; tại miền Trung: nhiệt điện Vũng Áng I, nhiệt điện Vĩnh Tân I, Vĩnh Tân II, Vĩnh Tân IV; miền Nam: nhiệt điện Duyên Hải I.

Lượng tiêu thụ tro, xỉ chưa đạt được mục tiêu đặt ra của đề án cả về tổng lượng tiêu thụ và cơ cấu tiêu thụ cho các lĩnh vực khác nhau (sản xuất xi măng, sản xuất gạch xây, phụ gia cho vữa và bê tông và vật liệu san lấp).

Đối với thạch cao PG, trong 3 nhà máy DAP đang vận hành tại Việt Nam, chỉ có nhà máy DAP số 1 (Đình Vũ, Hải Phòng) có dây chuyền xử lý bã thải thạch cao thành thạch cao PG do Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ đầu tư với công suất 1.000.000 tấn thạch cao PG/năm. Tuy nhiên sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp này vẫn còn rất khiêm tốn

Giải pháp thúc đẩy Chương trình phát triển VLXKN và sử dụng tro, xỉ, thạch cao

Từ những kết quả đã đạt được và những hạn chế, tồn tại trong việc triển khai thực hiện, để tiếp tục phát triển VLXKN trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, ban hành các văn bản theo hướng tăng cường sử dụng VLXKN.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi về sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung theo Nghị định 24a/NĐ-CP ngày 05/4/2016 và Nghị định số 95/2019/NĐ-CP ngày 16/12/2019: Sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển VLXKN, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại VLXKN.

Ngoài ra, cần ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN và bắt buộc sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng theo các tiêu chí cụ thể.

Các địa phương nghiêm túc thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hạn chế việc chấp thuận các dự án đầu tư sản xuất gạch đất sét nung.

Nhằm khắc phục những tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Cùng với đó cần nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng; đồng thời tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn nhà nước ngoài ngân sách, các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng vốn nhà nước sử dụng tro, xỉ vào các dự án giao thông

Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục giám sát thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc diện tích bãi thải chỉ chứa lượng thải của 2 năm sản xuất trung bình và không cấp phép mở rộng các bãi thải tro, xỉ, thạch cao đã được phê duyệt; kiểm tra thường xuyên việc thực hiện đề án xử lý tro, xỉ, thạch cao do các cơ sở phát thải lập và phê duyệt. Đặc biệt về công tác bảo vệ môi trường, việc thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện các quy định về pháp luật môi trường tại các đơn vị xả thải.

Toàn Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/phat-trien-vat-lieu-xay-khong-nung-va-su-dung-tro-xi-thach-cao-thuc-te-chua-nhu-ky-vong/413226.vgp