Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp an toàn

Xác định vai trò, tầm quan trọng của an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sức khỏe người tiêu dùng, các doanh nghiệp (DN), hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, gieo trồng, chăm sóc, chế biến các sản phẩm nông nghiệp theo VietGAP. Qua đó từng bước hình thành các mô hình, vùng sản xuất an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

HTX Quảng Phúc xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Nguyễn Lượng

HTX Quảng Phúc xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Nguyễn Lượng

Là một trong những HTX trồng, chăm sóc rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Vũ Văn Yên, Giám đốc HTX Quảng Phúc, xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường cho biết: Đầu năm 2020, HTX nhập 300 gốc nho Hạ đen, nho sữa của Hàn Quốc, nho ngón tay của Mỹ về trồng thử nghiệm.

Qua quá trình trồng, chăm sóc và theo dõi, nhận thấy các giống nho này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, cuối năm 2020, HTX tiếp tục mua thêm các giống cây về trồng với diện tích 2 sào nho ngón tay gồm 240 gốc; 1,5 mẫu nho sữa Hàn Quốc gồm 1.800 gốc, 1 mẫu nho Hạ đen gồm 1.200 gốc và trồng nhiều giống cây nhập ngoại như dưa lê chuối của Đài Loan, mướp táo ngọt của Đài Loan, bí ngô mặt trời của Mỹ, ...

Theo anh Yên, trong suốt quá trình canh tác, HTX đều tuân thủ quy trình sản xuất theo VietGAP; chỉ phun thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh và tự ủ cá trộn với đỗ tương và men vi sinh để làm phân hữu cơ. Qua đó tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Nhằm tạo ra nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường nông thôn, Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai các chương trình, dự án, xây dựng mô hình sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ như mô hình chăn nuôi “3 không- 2 sạch” (không chất tạo nạc, không thuốc tăng trọng, không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm; sạch vật nuôi, sạch chuồng trại).

Mô hình “4 đúng” trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn tại các địa phương như vùng sản xuất rau ở các xã, thị trấn Đại Đồng, Tân Tiến, Thổ Tang; vùng bí đỏ xã Yên Lập, Vũ Di; vùng trồng cà chua ghép ở xã Tân Tiến, Đại Đồng; chăn nuôi lợn ở xã Phú Đa, chăn nuôi bò sữa ở các xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường; thành lập 2 tổ liên kết trong sản xuất.

Qua đó không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, giữ gìn VSMT mà còn phát huy thế mạnh ở các địa phương từng bước xây dựng thương hiệu nông sản, hàng hóa.

Để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP cho 30 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thực hiện lấy hơn 3.300 mẫu sản phẩm nông sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản giám sát các chỉ tiêu ATTP.

Phối hợp tổ chức kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, thẩm định đánh giá đối với hơn 200 cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; tổ chức các quầy hàng nông sản tại các huyện, thành phố như Lập Thạch, Phúc Yên và Vĩnh Yên để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản đến người tiêu dùng; triển khai các mô hình liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh: Để áp dụng thành công quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì yếu tố quan trọng nhất chính là ý thức, tự giác của các hộ sản xuất đối với chất lượng sản phẩm mình sản xuất ra.

Các hộ cần ghi chép đầy đủ các thông tin trong quá trình sản xuất để theo dõi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Định kỳ, chi cục sẽ tổ chức giám sát các chỉ tiêu ATTP; lấy mẫu xét nghiệm, phân tích tồn dư kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật, test kiểm tra nhanh chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt.

Nhờ áp dụng sản xuất theo VietGAP, nhiều hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước gây dựng và khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 240 cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP, trong đó có 75 cơ sở chăn nuôi; 36 cơ sở chăn nuôi bò sữa; 13 cơ sở chăn nuôi gà; 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản và 117 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng; một số sản phẩm xây dựng được thương hiệu, có thị trường tiêu thụ ổn định như rau an toàn, ớt, thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng…

Hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP; đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Mở rộng các vùng sản xuất nông sản an toàn tập trung quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATTP nông, lâm thủy sản, trọng tâm các sản phẩm như rau, củ, quả, thịt, trứng; đẩy mạnh công tác thông tin, giới thiệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75158/phat-trien-vung-san-xuat-nong-nghiep-an-toan.html