Phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu: Không có quốc gia nào đứng ngoài cuộc

Với xu hướng cũng như cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ thể hiện bằng các chương trình hành động và cam kết cùng chương trình ứng phó biến đổi khí hậu vừa được Thủ tướng ký vào tháng 8/2022, có thể thấy, phát triển công trình xanh đã trở thành một định hướng ưu tiên trong phát triển đô thị, phát triển công trình của Việt Nam.

Ảnh: Minh họa

Ảnh: Minh họa

Phát triển xanh và 3 giải pháp giảm lượng phát thải CO2

Hiện nay, trên thế giới hiện có hơn 4.000 nhà máy xi măng đang hoạt động. Năm 2020 có khoảng 4 tỷ tấn xi măng được sản xuất ra toàn cầu và thống kê cũng cho thấy, ngành xây dựng chiếm khoảng 11% lượng phát thải CO2 do con người tạo ra. Trong đó, lượng phát thải CO2 do sản xuất xi măng trên toàn cầu chiếm tới 7%. Điều này đặt ngành công nghiệp sản xuất xi măng đối diện với nhiều thách thức, nhất là liên quan đến các yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, hạn chế tối đa những tác động nguy hại đến đời sống môi trường.

Để góp phần giải quyết vấn đề đầy thách thức này, Sika Việt Nam đã chia sẻ về 3 giải pháp nhằm giảm lượng phát thải CO2 hiệu quả từ quá trình sản xuất xi măng và bê tông. Theo ông Alan Bromwich - Giám đốc thị trường mục tiêu – bê tông và sửa chữa của Sika, giải pháp hữu hiệu giúp giảm tác động CO2, trong đó có quy trình tái chế bê tông và tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn bằng cách tái sử dụng các thành phần bê tông với chất lượng như ban đầu, hướng tới việc giảm phát thải CO2 và cải thiện các tác động môi trường từ việc xây dựng. Việc tối ưu hóa quy trình sản xuất xi măng, sử dụng giải pháp - nguyên vật liệu thay thế như đất sét nung đến tái chế bê tông kéo dài tuổi thọ và khởi phát vòng tuần hoàn.

Để tối ưu hóa, doanh nghiệp này đã nghiên cứu thành công hai loại phụ gia chuyên dụng giúp tăng hiệu năng, tiết kiệm năng lượng điện, giảm thiểu 10% KWh trên mỗi tấn xi măng được sản xuất ra và tăng độ mịn, cải thiện tính năng của xi măng đất sét nung. Đặc biệt, với giải pháp này, sản lượng xi măng thành phẩm sẽ tăng thêm đến 15%, giảm thiểu lượng clinker và CO2 trong quá trình sản xuất.

Chuyên gia nước ngoài chia sẻ giải pháp chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Nam

Chuyên gia nước ngoài chia sẻ giải pháp chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh tại diễn đàn. Ảnh: Sơn Nam

"Vì vậy, ngay từ bây giờ, nếu có thể tiết kiệm được 40% lượng khí CO2 đến từ quá trình đó, thì nó con số lớn có thể thực sự có giá trị đối với môi trường và thị trường” - ông Alan Bromwich nhìn nhận.

Việt Nam hiện là nước sản xuất xi măng lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ với hơn 100 triệu tấn xi măng được sản xuất mỗi năm tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm, tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt gần 41%, kéo theo áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong xây dựng. Về phát triển công trình xanh, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 233 công trình, với tổng diện tích được chứng nhận trên 6 triệu m2. Con số này còn rất khiêm tốn so với số lượng công trình xây dựng và đưa vào hoạt động trong hơn thập kỷ qua.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - đại diện kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Một trong số ít của hơn 200 công trình, chúng ta thấy không có công trình nào sử dụng vốn ngân sách, đó là điều rất khó. Do vậy, muốn có sự phát triển, thì phải phát triển công trình xanh, công trình bền vững và phải có sự đầu tư phù hợp, vì đó là điều tất yếu của con người, của thế giới. Nếu không thì chúng ta sẽ tự hủy hoại chính chúng ta”.

Việt Nam cam kết đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng “0”

Về phía Chính phủ, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Xây dựng, cũng cho biết thêm, tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 - COP26, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Để hiện thực hóa cam kết này, nhiều chính sách đã được triển khai nhằm rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu.

Tại diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 28/11, phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: Phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu không phải của một quốc gia nào nên không có quốc gia nào đứng ngoài cuộc và rất cần có sự thống nhất toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong chống biến đổi khí hậu. Việc chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số tác động đến toàn dân nên cần có sự hợp tác của toàn dân. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách hướng đến người dân, và người dân phải được tham gia chính sách và thụ hưởng những kết quả này./.

“Chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Trong phát triển xanh, Việt Nam đã có cam kết với các nước trên thế giới như Việt Nam cùng với 150 quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050, cùng 150 quốc gia tham gia liên minh thích ứng toàn cầu... Việt Nam cũng đã phê duyệt chiến lược phát triển xanh và Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động lớn của biến đổi khí hậu nên việc phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu rất quan trọng với Việt Nam” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-xanh-chong-bien-doi-khi-hau-khong-co-quoc-gia-nao-dung-ngoai-cuoc-117585.html