Phát triển xanh hướng đến Net Zero carbon: Bài cuối - Cần hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý
Chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài và cần sự có phương án, quyết sách phù hợp.
Những thách thức trên hành trình “xanh hóa”
Hơn một năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách-bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong việc triển khai cam kết Net Zero. Theo đó, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030... Tuy nhiên, chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói rằng, cách đây 5 năm ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu như: Áp lực đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc và đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ. Chính vì thế đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn.
Lý do được các doanh nghiệp dệt may trong ngành chỉ ra gồm: Việc đầu tư cho phát triển xanh phải đi đường dài và cần nguồn vốn lớn nhưng tiềm lực tài chính lại có hạn. Đó là chưa kể, trong ngành dệt may có rất nhiều doanh nghiệp chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn vì thế càng khó khăn hơn.
Hay như với ngành nhựa, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, nhựa hiện đang là ngành gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng năng lượng sạch giúp giảm phát thải lượng carbon.
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng sạch nhằm giảm phát thải carbon, bà Mỹ cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp còn thiếu thông tin hoặc không quan tâm đến thông tư về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa.
Các sản phẩm nhựa đa dạng về chủng loại, kích thước hoặc nguyên liệu gây khó khăn trong việc định mức tiêu hao năng lượng chính xác, đặc biệt ở các nhà máy có nhiều dòng sản phẩm khác nhau.
“Ngành nhựa cần tuân thủ những nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, phải thu gom, tái chế và có những giải pháp đáp ứng được các yêu cầu quốc tế. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn trong việc giảm phát thải carbon đối với ngành nhựa chính là số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa nhỏ chiếm đến hơn 90%. Việc đầu tư những thiết bị và kỹ thuật hiện đại cho việc sản xuất và sử dụng năng lượng xanh là vấn đề khó khăn về nguồn vốn đối với các doanh nghiệp này”, bà Mỹ nhấn mạnh.
Không chỉ dệt may hay nhựa, mà ở nhiều lĩnh vực khác việc chuyển đổi xanh cũng khó khăn. Trong khảo sát hơn 400 doanh nghiệp về nhận thức giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện hồi tháng 8 vừa qua, các doanh nghiệp cho rằng một trong những khó khăn lớn là nguồn vốn đầu tư.
Nói như vậy để thấy rằng, để chuyển đổi sang sản xuất xanh theo xu hướng tăng trưởng kinh tế xanh, doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều rào cản và thách thức nên hầu hết mới chỉ dừng lại việc nhận thức, số ít có đầu tư nhưng vẫn đang loay hoay với nhiều thách thức. Do vậy, để Việt Nam hiện thực hóa cam kết Net Zero, cần huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và các tổ chức quốc tế.
Còn nhiều việc phải làm…
Trước những khó khăn được đặt ra, muốn xây dựng một nền kinh tế xanh và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các ý kiến thống nhất rằng, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những phương án, quyết sách phù hợp. Bởi lẽ những nỗ lực chỉ từ phía cơ quan quản lý là chưa đủ mà quan trọng hơn, cần có sự thống nhất của tất cả thực thể tham gia nền kinh tế từ ý thức tới hành động.
“Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để đảm bảo cam kết của Thủ tướng Chính phủ về Net Zero 2050. Để công cuộc chuyển đổi xanh được thực thi hiệu quả và đảm bảo thành công, trước tiên, chúng ta cần phải chuyển tải được những khái niệm, cũng như tính cấp thiết của phát triển xanh, chuyển đổi xanh vào đời sống của người dân, vào hơi thở kinh doanh của từng doanh nghiệp để nâng cao nhận thức và biến chuyển nhận thức thành hành động cụ thể”- ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam nêu ý kiến.
Theo đó, các ý kiến cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng xanh. “Chuyển đổi xanh phải đưa ra tiêu chí pháp lý, chứ không thể mang tính phong trào và đối với những doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn phải có quy định cho dừng sản xuất, dừng buôn bán”- ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, cần xây dựng hành lang pháp lý để có thể thực hiện được những dự án. Bên cạnh đó, cần cả những cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư và cả người tiêu dùng… Bên cạnh đó, cần những cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh hơn, hiệu quả hơn.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, dưới góc độ quản lý nhà nước, năm 2022 Bộ Công Thương đã phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Theo Kế hoạch, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26, đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản BAU của ngành Năng lượng, 100% Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngành Công Thương tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính; Hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp.
Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu giảm thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình,hạ tầng cơ sở công nghiệp, thương mại, năng lượng; lồng ghép các vấn đề trong biến đổi khí hậu các quy hoạch, chiến lược.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp về tăng cường hợp tác quốc về và triển khai các giải pháp về đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực kết hợp các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương, cũng như triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khí nhà kính của ngành và Cơ sở, phối hợp với cơ quan đầu mối của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành có liên quan triển khai các chương trình, nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Cần có chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp xanh
Chính phủ đã phê duyệt chiến lược của ngành dệt may đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Chiến lược mang tính định hướng cho ngành trong thời gian tới, đặc biệt có những chính sách phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết các khâu còn yếu như nguyên liệu, năng lượng… Tuy nhiên để phù hợp với chiến lược này cần có sự hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hóa như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hóa chất… Đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển và sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là khâu vải hoàn tất.
Bên cạnh đó là việc hỗ trợ trong khâu thiết kế thời trang, thiết kế sinh thái, xây dựng và quảng bá thương hiệu; hợp tác với đối tác nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực cho khâu sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt là dệt, nhuộm hoàn tất và thiết kế tạo mẫu; đào tạo cho doanh nghiệp về quản lý sản xuất, quản lý chuỗi giá trị và khách hàng; hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới; hỗ trợ tăng cường năng lực cho viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.
Đặc biệt, Nhà nước giảm thuế TNDN 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh. Bởi theo tìm hiểu của Hiệp hội, phía sau sự thành công của Bangladesh trong việc chuyển đổi xanh có sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước với các chính sách ưu đãi cho các dự án chuyển đổi xanh hoặc xây dựng nhà máy xanh.
Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Cần sớm có tiêu chuẩn và định hướng công nghệ tái chế
Hiện trên thị trường đã có sẵn các công nghệ đủ sức hóa rác nhựa thành dầu diesel, công nghệ đốt rác nhựa phát điện khép kín không gây ảnh hưởng môi trường. Điển hình như tại Nhật Bản, các túi xốp được dùng làm nguyên liệu đốt trong các nhà máy điện rác hay tại Trung Quốc, các sản phẩm rác thải nhựa được dùng để ép dầu đốt. Do đó chúng ta phải hình thành một ngành công nghiệp tái chế và các sản phẩm tái chế. Và chúng ta đưa ra những quy định, quy chuẩn để kích thích doanh nghiệp khởi nghiệp, kích thích doanh nghiệp đầu tư.
Ngoài ra Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần sớm đưa ra những tiêu chuẩn và định hướng công nghệ tái chế, công nghệ phân loại. Đồng thời xây dựng giáo trình về công nghệ tái chế, đưa vào các trường đại học về lĩnh vực môi trường hay kỹ thuật. Những sinh viên học ngành này ra trường sẽ làm xin vào các công ty làm về tái chế. Như vậy khi đã có quy trình chuẩn, các sản phẩm nhựa sẽ được tái chế, kéo dài vòng đời hơn.