Phát triển xe đạp công cộng: Cần lộ trình cụ thể, đồng bộ các loại hình vận tải

Nhiều ý kiến cho rằng để xe đạp trở thành một phương tiện công cộng được đông đảo người dân sử dụng tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thì cần sự chuẩn bị một cách đầy đủ, đồng bộ về hạ tầng, công nghệ, ý thức người dân.

Sau khi được triển khai tại TP.Hồ Chí Minh thì mới đây, một doanh nghiệp đã đề xuất và được Thành phố Hà Nội chấp thuận vận hành thí điểm loại hình vận tải xe đạp công cộng nhằm góp phần giải thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cho Thủ đô.

Hy vọng về phát triển “giao thông xanh”

Theo đó, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng thực hiện thí điểm tại 5 quận trung tâm nhằm tạo thêm sự lựa chọn cho người dân đi lại. Đối tượng phục vụ là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh/sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, khách du lịch,...

Xe đạp công cộng cho thấy nhiều lợi ích như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.

Dự án thí điểm xe đạp công cộng sẽ được triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến thực hiện thí điểm từ năm 2022 - 2023 và đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp với 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí tại từ 70 đến 80 vị trí tại các quận Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên/xuống đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Trong giai đoạn 2 sẽ mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và các cơ quan có liên quan khảo sát và lựa chọn cụ thể. Dự kiến thời gian thực hiện năm 2023 đến năm 2024.

Tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 26 tỷ đồng do nhà đầu tư tự bỏ vốn và khai thác. Mức phí dự kiến đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp điện là khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày.

Thông tin Thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm xe đạp công cộng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và kỳ vọng về một loại hình vận tải mới giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông cũng như làm đẹp thêm cho mỹ quan đô thị, phát triển “giao thông xanh”.

Trao đổi với PV, bác Minh Nam (trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) cho biết, nếu có xe đạp công cộng sẽ tạo thêm sự lựa chọn về phương tiện di chuyển cho người dân, nhất là tại khu vực các quận trung tâm đường phố nhỏ hẹp lại có rất đông phương tiện. Tuy nhiên việc tiếp cận và sử dụng phải làm sao thuận tiện, dễ dàng để mọi người từ trẻ đến già đều có thể dùng được.

Chị Minh Trang (trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bày tỏ ủng hộ nếu xe đạp công được đưa vào sử dụng tại Hà Nội. Theo chị đạp xe vừa là hình thức tập thể dục, vừa giúp thư thái đầu óc sau thời gian làm việc căng thẳng; nhất là giúp trẻ em được vận động thể chất nhiều hơn.

Còn với bạn Quỳnh, sinh viên trường Đại học Thương mại chia sẻ, rất mong chờ đến ngày được trải nghiệm xe đạp công cộng của Hà Nội. Đi xe đạp sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khói bụi của ô tô, xe máy và đem lại cảm giác thoái mái khi được đạp xe vòng quanh Hồ Tây hay các tuyến phố cổ, những địa điểm du lịch của Hà Nội...

Nhiều ý kiến cho rằng, xe đạp công cộng có những lợi thế rất lớn, đó là loại phương tiện gần gũi thân thuộc với mọi gia đình, hầu như ai cũng có thể sử dụng được. Đồng thời phù hợp với những quãng đường di chuyển ngắn vài cây số sẽ là lựa chọn hàng đầu của nhân viên công sở, học sinh, sinh viên, khách du lịch.

Cần một lộ trình cụ thể khi triển khai xe đạp công cộng tại Thành phố Hà Nội, tránh lãng phí. Ảnh minh họa.

Điểm mấu chốt, xe đạp là loại hình phương tiện gần như không phát thải ô nhiễm môi trường, khi lưu thông ít có khả năng gây áp lực cho hệ thống giao thông đô thị nói chung. Khi phát huy hiệu quả kết nối sẽ là cơ sở để người dân chuyển đổi từ phương thức cá nhân sang loại hình vận tải hành khách công cộng, góp phần cải thiện môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Muốn khả thi phải có lộ trình

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ phát triển loại hình vận tải xe đạp công cộng tại Thành phố Hà Nội thì cũng có những lo lắng về tính hiệu quả thực tế và thậm chí đã có dự án xe đạp công cộng được triển khai trước đó dang dở, thất bại.

Điển hình từ năm 2014, Thành phố Hà Nội tiến hành thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường bao gồm Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Đề án khi đó được kỳ vọng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nhiên liệu.

Nhiều tâm huyết là vậy nhưng trên thực tế, các điểm cho thuê xe đạp này chỉ hoạt động trong một thời gian rất ngắn. Đối tượng thuê xe đạp cũng chỉ có mục đích đi chơi là chính, không có ý định gắn bó thường xuyên với phương tiện. Điều này gây ra sự lãng phí không nhỏ bởi một lượng lớn xe đạp đã đầu tư sản xuất nhưng không đem lại hiệu quả cao.

Hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng đã gây áp lực lớn cho giao thông Hà Nội.

Bày tỏ quan điểm về việc thí điểm và phát triển xe đạp công cộng tải Hà Nội, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tại các đô thị lớn ở Trug Quốc, Nhất Bản và nhất là ở châu Âu, xe đạp được sử dụng phổ biến và đem lại hiệu quả tối đa giúp người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Tuy nhiên phải giải quyết vấn đề hạ tầng, kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị với xe đạp nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân di chuyển. Ý thức người dân khi tham gia giao thông cũng cần phải được nâng cao hơn.

Đặc biệt, Thành phố Hà Nội phải quyết liệt hơn nữa trong vấn đề về phát triển giao thông đô thị bền vững, đánh giá toàn diện về nhu cầu sử dụng xe đạp theo vị trí, không gian và thời gian cho các nhóm đối tượng. Thí điểm rồi rút kinh nghiệm để triển khai cũng là cách làm thận trọng và cần thiết của Hà Nội khi thực hiện dự án xe đạp công cộng.

Trao đổi với PV, một chuyên gia giao thông chia sẻ, hiện tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân là rất cao với ô tô khoảng 10,2%/năm, xe máy khoảng 6,7%/năm vượt gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gây ra áp lực rất lớn đối với các đô thị như TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội.

Bởi vậy muốn việc sử dụng xe đạp công cộng khả thi, đem tới hiệu quả cao thì cần có sự chuẩn bị một cách đầy đủ, đồng bộ về hạ tầng, công nghệ và nghiên cứu một cách tổng thể để đưa ra nhiều phương án trong quy hoạch, lộ trình di chuyển nhằm mang lại sự tiện ích. Phải có chế tài đủ mạnh để khuyến khích và bảo hộ cho người dân sử dụng xe đạp.

Hoàng Lan

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-xe-dap-cong-cong-can-lo-trinh-cu-the-dong-bo-cac-loai-hinh-van-tai-post186793.html