Phát triển xe máy điện cần động lực từ chính sách cụ thể

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2040 từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất xe máy xăng và đến năm 2050 có 100% xe máy điện tham gia giao thông. Nhưng thực tế việc chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện còn chậm, Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội phát triển mạnh mẽ ở thị trường xe máy điện vì thiếu những chính sách rõ ràng.

Xe điện ngày càng được nhiều hãng dùng để vận chuyển giao hàng

Xe điện ngày càng được nhiều hãng dùng để vận chuyển giao hàng

Xe điện ngày càng được nhiều hãng dùng để vận chuyển giao hàng

Chuyển đổi chậm

Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần nhiều giải pháp đồng bộ ở các lĩnh vực. Đối với lĩnh vực giao thông đã có chương trình hành động cụ thể về chuyển đổi năng lượng xanh giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải theo Quyết định 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quyết định này Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2040 từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, mục tiêu có 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Lộ trình, mục tiêu đề ra rất rõ nhưng câu hỏi đặt ra là tính khả thi của hiện thực hóa này ra sao?

Thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải năm 2023 cho thấy, cả nước có 2,5 triệu xe máy điện trong tổng số 75 triệu xe máy đăng ký lưu hành, tức chỉ chiếm 3,33% trong tổng số xe máy tại Việt Nam. Con số này phản ánh xe máy xăng vẫn là chủ lực, việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện diễn ra còn chậm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội tiên phong phát triển thị trường xe máy điện trong khu vực tiến tới xuất khẩu đi các nước. Quyết định 876 của Chính phủ rất quyết liệt, đáp ứng tinh thần của cam kết tại COP 26 nhưng khi thực hiện quyết định này còn chưa cụ thể, thực thi tại các địa phương còn chậm. Việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện tại Việt Nam đang rất khó khăn.

Khó khăn thứ nhất đến từ việc thiếu động lực từ chính sách, doanh nghiệp sản xuất xe máy điện cần có các chính sách cụ thể, rõ ràng, hỗ trợ tạo cho họ cú huých để tiếp cận thị trường. Người tiêu dùng cũng cảm thấy có lợi khi chuyển đổi sang xe máy điện bằng những chính sách ưu đãi.

Khó khăn thứ hai đến từ thiếu động lực của thị trường, sức mua yếu, người tiêu dùng chưa có thói quen và chưa thấy việc cần thiết chuyển đổi sang xe điện.

Ngày càng nhiều người trẻ ưa thích xe máy điện

Ngày càng nhiều người trẻ ưa thích xe máy điện

Trong khi tại các nước như Thái Lan, Indonesia, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ quyết liệt để thúc đẩy người dùng sử dụng xe máy điện thì tại Việt Nam quá trình này diễn ra vẫn còn rất chậm.

Tại Thái Lan, Ủy ban chính sách xe điện đã thống nhất thông qua Gói biện pháp thúc đẩy thị trường xe điện 3.5 giai đoạn từ năm 2024 – 2027 nhằm khuyến khích người dân hình thành thói quen mua xe điện. Trợ cấp từ 5.000 - 10.000 baht (tương đương khoảng 3,5 - 7 triệu đồng) đối với người mua xe máy điện có giá bán dưới 150.000 baht (tương đương khoảng 100 triệu đồng) và sử dụng bộ pin có công suất tối thiểu 3kWh.

Tháng 3/2023, Chính phủ Indonesia đã ban hành chính sách trợ giá cho người dân mua xe máy điện. Mức hỗ trợ lên tới 7 triệu rupiah, tương đương gần 11 triệu đồng/xe. Trong giai đoạn từ năm 2023 - 2024 sẽ có khoảng 1 triệu xe được hưởng chính sách này. Với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy điện, các linh kiện nhập khẩu như: pin, động cơ kéo, bộ điều khiển truyền động, bộ sạc… đều được miễn thuế. Cùng với đó còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, được hỗ trợ về hạ tầng…

Cần nhiều chính sách cụ thể tạo động lực cho thị trường

Theo ông Andy Wong, Phó chủ tịch cấp cao về dịch vụ thiết kế của Avnet châu Á, Việt Nam cần quyết liệt hơn trong chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện với những chính sách khuyến khích và lộ trình cụ thể.

Về vấn đề này, ông Hoàng Mạnh Tân nhận định, sự quyết liệt thể hiện ở tính hành động cụ thể của từng địa phương, tổ chức. Doanh nghiệp sản xuất xe máy điện sẵn sàng đồng hành, thậm chí bán lỗ để người dân hình thành thói quen sử dụng xe máy điện, thân thiện môi trường.

“Doanh nghiệp rất cần hỗ trợ từ chính sách để phát triển thị trường, như câu chuyện thuế trước bạ, ô tô điện được miễn thuế trước bạ nhưng xe máy điện thì chưa”, ông Tân cho hay.

Doanh nghiệp sản xuất xe máy điện tại Việt Nam mong muốn có thêm chính sách quyết liệt chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện. Ảnh H.Y

Doanh nghiệp sản xuất xe máy điện tại Việt Nam mong muốn có thêm chính sách quyết liệt chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện. Ảnh H.Y

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc điều hành Selex Motors cho biết, Quyết định 876 của Chính phủ là chủ trương, trong đó có lộ trình cụ thể nhưng để chuyển đổi xe xăng sang xe điện cần nhiều chính sách cụ thể hơn tạo động lực cho thị trường.

CEO Selex Motors kiến nghị cần có ba yếu tố cụ thể để thúc đẩy phát triển thị trường xe máy điện tại Việt Nam.

Thứ nhất, cần có mục tiêu cụ thể, với tỷ lệ năm bao nhiêu % là xe điện. Mục tiêu rất cụ thể và chính sách hóa để doanh nghiệp yên tâm bám vào đó phát triển.

Thứ hai, cần có chính sách để thúc đẩy tiêu dùng với những chính sách hỗ trợ giảm giá thành xe máy điện. Tại các nước như Indonesia, Thái Lan, Chính phủ có chính sách giảm trực tiếp 500 USD cho người dân mua xe máy điện và 5.000 USD khi mua xe ô tô điện, nguồn tiền hỗ trợ từ Chính phủ thông qua miễn giảm các loại thuế, trừ thẳng giá cho người tiêu dùng mua nhiều hơn. Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có chính sách như vậy nên người tiêu dùng còn khá hạn chế.

Thứ ba, hỗ trợ nhà sản xuất một số góc độ về thuế nhập khẩu như VAT, tiếp cận tài chính bởi nhà sản xuất cần có vốn để đẩy mạnh quy mô. Hiện nay, ngân hàng chưa tài trợ dự án sản xuất xe điện, nhà sản xuất gặp khó khăn trong tiếp cận vốn và ngân hàng chưa có gói cho người dân vay trả góp mua xe máy điện.

“Việt Nam có lợi thế về thu hút nguồn vốn xanh từ nước ngoài, nhưng để thu hút được nhiều hơn cần có chính sách, cơ chế cụ thể để hấp thụ vốn”, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên nhấn mạnh.

Mới đây, tại hội nghị TP. HCM gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ chuyển đổi 1 triệu xe máy xăng thành xe điện, ưu tiên lĩnh vực vận tải, thực hiện trong 5 năm tới. Đề xuất này hướng đến nhóm doanh nghiệp vận tải bằng xe máy, lái xe ôm công nghệ. Bởi theo ông, những người này có tần suất hoạt động gấp 5 lần so với người bình thường, với mức phát thải cao, họ cũng là nhóm sẵn sàng chuyển đổi nhất nếu có những chính sách hỗ trợ từ nhà nước.

Trả lời câu hỏi về tính khả thi của đề xuất này, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho rằng việc chuyển đổi 1 triệu xe xăng sang xe điện sẽ làm được khi có chính sách hỗ trợ cụ thể.

“Nhà nước phải đặt ra bài toán đủ lớn, đủ hấp dẫn cộng với chính sách đi kèm, tạo động lực phát triển ban đầu bởi thị trường xe máy điện là thị trường mới, cần tư duy theo hướng đầu tư không phải tư duy thu hoạch. Cơ hội ở thị trường này rất lớn”, CEO Selex Motors cho hay.

Việt Nam có dư địa lớn ở thị trường xe máy điện. Nếu có các chính sách cụ thể hỗ trợ nhà sản xuất và người tiêu dùng trong thời gian tới thị trường sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ. Nỗ lực cho giao thông xanh mở ra triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp phát triển xe điện.

Hải Yến

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phat-trien-xe-may-dien-can-dong-luc-tu-chinh-sach-cu-the-post342166.html