Phát triển y tế cơ sở để sống chung an toàn với Covid-19

Trong 1 tuần qua, số ca nhiễm mới và số ca tử vong do dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh đều tăng cao. Các cấp, các ngành của thành phố đang triển khai nhiều biện pháp để xử lý tình hình này.

Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh tính đến chiều 6-12.

Sống chung an toàn với Covid-19

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, số ca nhiễm Covid-19 trong tuần từ ngày 26-11 đến 2-12-2021 là 10.901 ca, cao hơn so với 8.731 ca của tuần trước đó (từ ngày 19 đến 25-11-2021). Như vậy, số ca nhiễm Covid-19 trên 100.000 dân/tuần tại thành phố là 107,3 ca, đứng ở mức cao so với cả nước.

Đáng chú ý, số ca tử vong do Covid-19 trung bình mỗi ngày từ ngày 1 đến 5-12-2021 là 76 ca, tăng cao so với mức 68 ca/ngày của tuần từ 26 đến 30-11-2021. Tuy nhiên, số ca nhập viện lại có chiều hướng giảm, từ 1.249 ca của ngày 1-12 xuống còn 958 ca vào ngày 5-12.

Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, cùng với việc thành phố mở cửa các hoạt động xã hội, việc số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao là tình huống nằm trong kế hoạch được dự liệu từ trước. Phần lớn số ca tử vong tăng cao là người trên 50, người có bệnh nền và là người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 với nhiều lý do.

Số ca nhập viện có chiều hướng giảm, số ca ra viện tăng.

Để ứng phó với số ca nhiễm tăng cao, ngành Y tế thành phố mới giải thể 8 bệnh viện dã chiến và giữ lại 13 bệnh viện dã chiến khác với quy mô hàng nghìn giường bệnh để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 có dấu hiệu tăng nặng, phải nhập viện. Cùng với đó, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố đều dành ra 10% số giường hiện có để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói: "Thành phố đang điều trị cho 13.681 bệnh nhân Covid-19 trong các cơ sở y tế tầng 2 và 3 của tháp điều trị. Thành phố có hơn 70.000 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, dưới sự quản lý, chăm sóc của 310 trạm y tế phường, xã và 382 trạm y tế lưu động. Cùng với hệ thống mạng lưới bác sĩ đồng hành rộng khắp, thành phố vẫn thực hiện mô hình để tối đa F0 thể nhẹ không triệu chứng được điều trị tại nhà, dưới sự giám sát, giúp đỡ của cộng đồng, thực hiện chủ trương sống chung an toàn với Covid-19".

Số ca tử vong do Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tăng cao.

Nói về thông tin một số báo chí và mạng xã hội nêu số trẻ em nhiễm Covid-19 tăng cao hơn trước đây, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai dẫn chứng: “Nhận định này có vẻ chưa sát với thực tế. Trong gần 13.700 F0 đang điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và 3 tại thành phố Hồ Chí Minh, có 497 em dưới 16 tuổi. Thành phố cũng chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19 nào là trẻ em”.

Nói về biến chủng Omicron, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh: “Tính đến ngày 5-12, thành phố chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến chủng này. Trên quy mô thế giới, biến chủng Omicron mới chỉ chứng tỏ nó lây nhiễm nhanh gấp 5 lần biến thể cũ, nhưng bệnh nhân không bị tăng nặng. Omicron cũng chưa có dấu hiệu cho thấy nó kháng các loại vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 đang được sử dụng”.

Thực tế từ cơ sở

Huyện Bình Chánh là một trong những địa phương điển hình trong việc áp dụng các phương án “xã hội hóa” công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh theo hướng cho tối đa số F0 thể nhẹ được điều trị tại nhà. Cùng với đó, chính quyền quận xây dựng hệ thống mạng lưới y tế cơ sở để chăm sóc những F0 này, không để bệnh tăng nặng.

Bình Chánh rộng 252,26km2, dân số hơn 705.000 người, là một trong 4 đơn vị cấp huyện đông dân nhất cả nước. Huyện cửa ngõ phía Tây thành phố này có nhiều khu công nghiệp, nhiều khu lưu trú công nhân ngoại tỉnh… Đây là những yếu tố khiến dịch Covid-19 có nguy cơ diễn biến phức tạp trên địa bàn. Để thực hiện chủ trương chung sống an toàn với dịch, cả 16 xã, thị trấn của huyện đều có trạm y tế với đầy đủ nhân sự, cơ số thuốc và trang thiết bị y tế với tổng số 48 giường, tổng cộng 131 nhân viên y tế; mỗi trạm quản lý từ 50 đến 100 F0.

Huyện Bình Chánh đã thiết lập được hệ thống y tế cơ sở hiệu quả, chăm sóc F0 tại nhà, góp phần thực hiện mục tiêu sống chung an toàn với Covid-19.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng cho biết, huyện đã hình thành thêm 27 trạm y tế lưu động với tổng số nhân sự 262 người; 98 Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng với 466 thành viên; 1.932 tổ Covid-19 cộng đồng với 5.941 thành viên.

“Hệ thống này tham gia quản lý 6.700 F0 điều trị tại nhà rất hiệu quả. Thời gian qua, số ca tăng nặng phải chuyển viện rất ít. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chuẩn bị sẵn khu cách ly, điều trị như bệnh viện tầng 2 và 3 tại địa bàn với 512 giường để tiếp nhận bệnh nhân có bệnh tình tăng nặng. Thành phố đã điều động bổ sung cho huyện 84 nhân viên y tế để vận hành hệ thống y tế cơ sở này”, ông Đào Gia Vượng nói.

Thu Hoài

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1019193/phat-trien-y-te-co-so-de-song-chung-an-toan-voi-covid-19