Phát triển y tế cơ sở theo hướng công bằng, hiệu quả. Bài 3: Tạo nền tảng tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Y tế cơ sở là đơn vị y tế gần dân nhất, phát hiện sớm nhất những vấn đề sức khỏe của Nhân dân, giải quyết 80% khối lượng phục vụ y tế tại chỗ, có vị trí chiến lược quan trọng trong hệ thống y tế của nước ta, là nơi thể hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe rõ nhất. Để đảm bảo mục tiêu đó, cần kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi người và bước đầu đảm bảo công bằng, hiệu quả trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

> Phát triển y tế cơ sở theo hướng công bằng, hiệu quả. Bài 1: Tăng năng lực khám, chữa bệnh của trạm y tế xã

>> Phát triển y tế cơ sở theo hướng công bằng, hiệu quả. Bài 2: Những khó khăn, bất cập của y tế cơ sở

 Các trạm y tế xã thực hiện tốt tiêm chủng mở rộng phòng ngừa bệnh tật - Ảnh: NTH

Các trạm y tế xã thực hiện tốt tiêm chủng mở rộng phòng ngừa bệnh tật - Ảnh: NTH

Nỗ lực đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất

Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế Võ Phúc Khanh cho biết, theo yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 thì cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị và cả đội ngũ nhân viên y tế xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bác sĩ chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân hiện nay. Chủ trương tăng cường bác sĩ về xã theo Đề án 1816 thiếu bền vững. Một số bác sĩ công tác tại trạm y tế xã đang có xu hướng muốn chuyển lên trung tâm y tế hoặc bệnh viện làm việc, nếu không được thì bỏ việc tại trạm y tế ra ngoài làm cho tư nhân.

Để đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất, trong tổng số 125 trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã có 36 trạm được đầu tư máy siêu âm, 2 trạm có máy điện tim, 26 trạm có máy đo đường huyết. Toàn tỉnh hiện có 120/125 trạm y tế xã có triển khai khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Ngành Y tế Quảng Trị cũng đã đào tạo 20 bác sĩ để triển khai mô hình KCB theo nguyên lý y học gia đình là chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, định hướng dự phòng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ KCB ở trạm y tế do vướng mắc trong thanh toán BHYT cho các đơn vị y tế, trong đó có quy định đòi hỏi các chứng chỉ chuyên môn khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật dẫn đến việc các trạm y tế không phát triển được chuyên môn, kỹ thuật, vì bác sĩ tuyến xã hiện chưa có các chứng chỉ về kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm, chụp X - Quang... Cơ chế tài chính hiện nay ở trạm y tế tuyến xã do ngân sách nhà nước đảm bảo, các dịch vụ y tế triển khai được BHYT thanh toán phải trích bù vào trả lương nên chưa khuyến khích bác sĩ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật để phát triển dịch vụ y tế.

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Thịnh cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành y tế tỉnh trong thực hiện chủ trương đưa dịch vụ y tế đến gần dân là hơn 10 năm nay không có bác sĩ giỏi, bác sĩ chính quy về công tác ở tuyến huyện, tuyến xã. Cơ chế khuyến khích bác sĩ giỏi về công tác tại tuyến cơ sở chưa hấp dẫn. Những năm gần đây, hằng năm ngành Y tế Quảng Trị có từ 5 - 10 bác sĩ bỏ việc, thậm chí nhiều người chấp nhận đền bù chi phí đào tạo theo chính sách thu hút nhân lực y tế của tỉnh để đi làm việc nơi khác có thu nhập cao hơn. “Trên cơ sở xác định vai trò quan trọng của mạng lưới y tế cơ sở, thời gian tới ngành Y tế Quảng Trị tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, trong đó sẽ tập trung chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại để nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở, từng bước đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ tốt cho công tác KCB và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Cùng với giải quyết tốt cơ chế tài chính về thanh toán dịch vụ y tế và thực hiện chính sách ưu đãi thu hút bác sĩ về công tác ở tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, từ đó sẽ đưa dịch vụ y tế đến gần dân và kéo bệnh nhân từ tuyến trên xuống tuyến dưới điều trị. Có cơ chế tháo gỡ khó khăn thanh toán BHYT cho trạm y tế, để một bác sĩ đa khoa có thể thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật cơ bản mà không đòi hỏi về chứng chỉ chuyên môn chuyên ngành, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế thuận tiện nhất với chi phí thấp nhất”, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Thịnh chia sẻ.

Đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Lê Đức Dũng, trong hoạt động KCB, mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc có đặc thù là người mua dịch vụ y tế không biết được bệnh tật của mình và không biết được mình cần dịch vụ y tế gì để KCB hiệu quả nhất với chi phí ít tốn kém nhất. Vì vậy, bệnh nhân khi đau ốm thì thường có xu hướng tìm đến tuyến y tế cao nhất có thể trong khả năng của mình để yên tâm hơn về chất lượng dịch vụ y tế, dẫn đến việc tiếp cận dịch vụ y tế với chi phí cao, trong khi nhiều loại bệnh ở tuyến y tế cơ sở có thể điều trị tốt. “Khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và triển khai tự chủ bệnh viện, các bệnh viện đã tích cực triển khai việc bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế, trong đó nhấn mạnh các giải pháp như: Cải tiến quy trình khám bệnh, xét nghiệm, cải tiến thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, đổi mới phong cách và thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh... Nếu thực hiện tốt việc công bố chất lượng bệnh viện, quảng bá hình ảnh của bệnh viện đến với người dân thì tin chắc người bệnh sẽ dịch chuyển xuống tuyến dưới điều trị nhiều hơn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ y tế chi phí thấp, qua đó đảm bảo công bằng xã hội và thực hiện an sinh xã hội tốt hơn”, ông Lê Đức Dũng cho hay.

Để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe, Đảng và Nhà nước đã chú trọng xây dựng mạng lưới y tế bao phủ từ trung ương đến địa phương, trong đó quan tâm đặc biệt đến y tế cơ sở. Đồng thời, có nhiều chính sách quan tâm đến chăm sóc sức khỏe người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế công cho người nghèo; hỗ trợ tài chính cho người nghèo, vùng nghèo trong KCB... BHYT là cơ chế tài chính y tế công ổn định và sẻ chia, là chính sách an sinh xã hội thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Cùng với ngân sách nhà nước dành cho y tế, BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng trong việc KCB. Điều đó cũng tạo ra xu thế cùng đổi mới, phát triển cung ứng dịch vụ KCB, cải tiến quy trình khám bệnh phục vụ người bệnh.

Thông tin từ BHXH tỉnh cho biết, đến hết năm 2020, toàn tỉnh phát triển BHYT 607.022 người, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 96% dân số, vượt 6% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Đi liền với phát triển đối tượng tham gia BHYT, quyền lợi BHYT của người dân từng bước thực hiện tốt thông qua chính sách thông tuyến huyện và thông tuyến tuyến tỉnh KCB BHYT. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe, đảm bảo mọi người dân đều được dễ dàng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lâu dài tiến tới theo hướng mọi người có bệnh như nhau sẽ được chăm sóc y tế như nhau.

Chiến lược sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế đòi hỏi thường xuyên tìm kiếm những dịch vụ y tế sẵn có tốt nhất, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất. Chỉ có phát triển y tế cơ sở mới tạo ra những điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với dịch vụ y tế phù hợp điều kiện sống và giảm chi phí KCB của người dân, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an sinh xã hội.

Thanh Hải - Tú Linh - Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157212&title=phat-trien-y-te-co-so-theo-huong-cong-bang-hieu-qua-bai-3-tao-nen-tang-tien-toi-bao-phu-cham-soc-suc-khoe-toan-dan