Phát triển y tế số - chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã sẵn sàng
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngành y tế đang có những bước đi ấn tượng trong hành trình chuyển đổi.
Với những chính sách dẫn đường, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tham gia đầu tư vào y tế, góp phần tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cho người dân và nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đang tập trung phát triển các giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) nhằm hỗ trợ phát triển bền vững ngành y tế Việt Nam. Thưa ông, hiện có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ nào nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế?
Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT y tế đã dần được hoàn thiện. Bộ Y tế xếp hạng nhất nhiều năm liền về nội dung này. Các chính sách nhất quán, ổn định, có tính kế thừa là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư vào y tế.
Bộ Y tế đã ban hành 5 thông tư, có hướng dẫn cụ thể các yêu cầu kỹ thuật, gồm: quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng; quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quy định về hoạt động y tế từ xa; Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định về bệnh án điện tử.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Kiến trúc chính phủ điện tử Bộ Y tế 2.0. Đây được coi là bức tranh tổng thể để doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh, đầu tư vào y tế; phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025. Bộ còn ban hành quyết định hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn; hướng dẫn triển khai thanh toán không dùng tiền mặt...
Đồng thời, Bộ Y tế đang xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật ứng dụng CNTT y tế để đưa vào cơ cấu giá dịch vụ y tế, bảo đảm nguồn chi cho ứng dụng công nghệ thông tin bền vững. Bộ quyết tâm là một trong những bộ, ngành đi đầu trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ.
Ông có thể chia sẻ thêm về những bước tiến trong hành trình chuyển đổi số ngành y tế, cũng như định hướng thời gian tới?
Có thể nói, ngành y tế đã sẵn sàng cho chuyển đổi số, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo trong y tế, robot, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn… Sự sẵn sàng này được thể hiện ở 5 điểm: sẵn sàng về tổ chức bộ máy và nhân lực số ngành y tế; sẵn sàng về chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch và các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số y tế; sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật số ngành y tế; sẵn sàng chuyển đổi số trong quản trị y tế; sẵn sàng chuyển đổi số bệnh viện, hình thành bệnh viện thông minh; sẵn sàng chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện thành công Chương trình Sức khỏe Việt Nam.
Bên cạnh Đề án Khám, chữa bệnh từ xa - một bước đi thực tiễn của ngành y tế trong việc cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ mà tôi đã nêu ở trên, ngành y tế đã triển khai ứng dụng robot với 4 hệ thống nổi bật đang được ứng dụng trong y học hiện đại. Một số bệnh viện cũng đã thí điểm đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào điều trị ung thư, ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện; cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; hỗ trợ tư vấn - chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện, giám sát phác đồ điều trị nội trú, ngoại trú…
Về định hướng chuyển đổi số y tế trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về công nghệ thông tin y tế, tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi số trong ngành. Phát triển trung tâm dữ liệu y tế quốc gia bảo đảm có thể lưu trữ, quản lý đủ các số liệu tập trung của ngành y tế. Thống nhất, tập trung đầu mối thu nhận thông tin y tế ở Cục CNTT để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; xây dựng, phát triển trung tâm dữ liệu gen người Việt Nam…
Đâu là những nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế nhằm tăng cường chất lượng khám chữa bệnh và tăng tiếp cận y tế cho người dân trong kỷ nguyên số, thưa ông?
Ngành y tế chú trọng đẩy mạnh các giải pháp tổng thể, đồng bộ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến; thực hiện lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm; tăng cường đào tạo, luân phiên hai chiều cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.
Một trong những ưu tiên của ngành là phát triển kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong một số lĩnh vực (tim mạch, chấn thương, ghép tạng...); đầu tư phát triển một số trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội, TP.HCM và một số vùng; xây dựng một số cơ sở khám, chữa bệnh có tầm cỡ khu vực và thế giới, phấn đấu là một trong những nước có chất lượng dịch vụ cao để thu hút, kết hợp du lịch với chăm sóc y tế.