Phật tử có được phép mặc áo tràng tay thụng?
GNO - Vì sao có Phật tử mặc áo tràng nâu giống chư Tăng, trong khi các Phật tử khác lại mặc áo tràng lam? Phật tử có được mặc áo tràng nâu hoặc áo tràng lam tay thụng (tay rộng) thường được gọi là áo tràng hải thanh không?
(QUẢNG THIỆN, quangthienchannhan...@gmail.com)
Bạn Quảng Thiện thân mến!
Các Phật tử hệ phái Bắc tông đi chùa thường mặc áo tràng màu lam, ở miền Bắc Phật tử mặc áo tràng màu nâu, Phật tử hệ phái Nam tông và Khất sĩ đi chùa thường mặc y phục màu trắng. Sự khác biệt này phụ thuộc vào từng truyền thống, hệ phái và vùng miền.
Ngoài ra, có một số đạo tràng tự thiết kế y phục riêng cho đạo tràng mình. Một số cơ sở may mặc pháp phục Phật giáo cũng sao chép từ nước ngoài hay thiết kế theo phong cách riêng, áo tràng tay thụng cho Phật tử như bạn đã nêu là một điển hình.
Về vấn đề, Phật tử có được mặc áo tràng nâu hoặc áo tràng lam tay thụng hay không? Nội quy Ban Tăng sự T.Ư khóa VIII (2017-2022), Chương XII: Sắc phục Tăng Ni, đã quy định về lễ phục và pháp phục cho Tăng Ni: Tỳ-kheo: Áo tràng màu nâu, tay rộng không quá 30 phân. Tỳ-kheo-ni: Áo tràng màu lam, tay rộng không quá 30 phân (Điều 69-Pháp phục). Riêng hàng Tịnh nhân (Phật tử tập sự xuất gia) thì chỉ dùng áo tràng lam, tay hẹp (Điều 68-Lễ phục). Nên theo thiển ý, các Phật tử có thể tùy duyên chọn một kiểu áo tràng mà mình thích nhưng không nên quá giống với áo tràng hay áo hậu của chư Tăng Ni. Và như vậy, áo tràng lam tay hẹp, theo Nội quy Ban Tăng sự, được xem như chuẩn mực cho lễ phục của hàng Phật tử.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/phat-tu-co-duoc-phep-mac-ao-trang-tay-thung-post53548.html