Phật tử trẻ đã ứng xử như thế nào với những thông tin tiêu cực trên mạng?

Là Phật tử trẻ, bạn có biết những thông tin tiêu cực liên quan đến Phật giáo thời gian qua? Phóng viên Giác Ngộ đã hỏi thẳng vấn đề thời sự với nhiều Phật tử…

Có buồn, có lo nhưng… không sợ!

“Tôi có theo dõi nhiều bài viết, thông tin liên quan đến tu sĩ bị kỷ luật cùng những cãi vã, đấu khẩu liên quan đến pháp tu trên mạng xã hội. Lúc đầu cảm thấy buồn, lo, nhưng sau đó đã quán niệm rằng, không nên sợ hãi vì Chánh pháp sẽ không bao giờ bị hư hoại”, bạn Tâm Phong (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.

Bạn Tâm Phong cho biết, bản thân sinh ra trong một gia đình có truyền thống tin sâu Tam bảo, ông bà nhiều đời biết ăn chay, sống lành, đi chùa, làm công quả… nên hạt giống Phật pháp đã được gieo trồng từ lâu. Phật tử này cho rằng, với một người Phật tử đã có niềm tin và có tìm hiểu về lời Phật dạy sẽ có chánh kiến khi tiếp nhận mọi thông tin.

“Chánh kiến giống như màng lọc vậy, những gì sai trái sẽ không thể ở lại và không thể chi phối mình được”, Phật tử Tâm Phong nói.

Trên tinh thần học Phật nghiêm túc ấy, Phật tử trẻ này cho rằng, dù thời nào cũng sẽ có những vị tu sĩ không giữ giới, thực hành hoặc làm trái với lời Phật dạy, dẫn tới những hệ lụy cho đạo pháp và cá nhân vị ấy. Cái sai của một vị tu sĩ chính danh sẽ khiến những người sơ cơ học Phật hiểu lầm, những thế lực chống phá Phật giáo vịn vào đó quy chụp “tất cả tu sĩ đều không tốt”, hoặc “Phật giáo có vấn đề”.

Phật tử Tâm Phong cho rằng, không nên đánh mất niềm tin vào Tam bảo chỉ vì mình lỡ gặp một vài tu sĩ chưa tốt hoặc nghe một vài bài giảng không đúng Chánh pháp từ một vài nhà sư nào đó. “Y pháp bất y nhân”, “lấy giới làm thầy”, Phật tử này nhắc lại công thức cảnh giác, ngăn mình chạy theo một vị thầy, mặc định vị ấy là Phật pháp. “Nhờ đó, mình không bị thất vọng hay mất niềm tin vào Tam bảo”, Tâm Phong khẳng định.

Cùng quan điểm, Phật tử Hoa Liên (TP.Hà Nội) bày tỏ: “Thấy quý thầy bị kỷ luật, là Phật tử tôi rất buồn. Buồn vì ít nhiều vị ấy đã phá vỡ niềm tin rất nhiều Phật tử nương theo tu học. Thêm nữa, những thành phần chống phá Phật giáo sử dụng cái sai của các thầy làm công cụ tấn công chính Phật giáo”.

Theo Phật tử Liên Hoa, nếu học Phật từ gốc - thông qua những lớp giáo lý căn bản hay những cuốn sách như giáo trình Phật học phổ thông của ngài Thiện Hoa, bài giảng và sách vở từ các bậc trưởng lão có uy tín - chắc chắn sẽ có ứng xử đúng trong khi nghe giảng, tiếp xúc một vị tu sĩ. Đồng thời qua đó cũng có “đề kháng” khi nghe, đọc một bài viết công kích Phật giáo ở trên mạng xã hội.

“Khi tiếp xúc với thông tin không tốt về một vị thầy hay Phật giáo nói chung, tôi sẽ không vội tin. Trước khi hùa theo, trách móc nặng nề, chửi bới hả hê, mỗi người nên kiểm chứng đa chiều. Nếu vị thầy ấy sai thật, Giáo hội sẽ xử lý. Nếu Giáo hội đã xử lý, mình càng không nên vì một vị thầy sai mà thối tâm”, nữ Phật tử này chia sẻ.

“Chùa mãi là chốn bình yên”

Quan sát về những hiện tượng tấn công chùa chiền, Phật giáo gần đây, ThS Giáo dục Lê Trường An, giảng viên Trường Đại học Mở TP.HCM cho biết: “Là một người yêu mến đạo Phật, tôi nghĩ những tin xấu, tin sai sự thật liên quan đạo Phật có thể ảnh hưởng ít nhiều đến niềm tin của Phật tử. Nhưng với tôi, chùa vẫn mãi là chốn bình yên”.

Theo anh An, Phật giáo có lịch sử hơn 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc, trải qua nhiều thăng trầm với đất nước và luôn bất biến với lẽ sống “tốt đạo, đẹp đời”. Nhìn rộng ra, sẽ thấy thời nào cũng có các vị thiền sư, quốc sư đem đạo vào đời, giúp dân giúp nước. Có những thời đại, Phật giáo là quốc giáo - giúp đất nước thịnh trị, người dân sống hiền lành, an ổn…

“Những giá trị ấy sẽ là chiếc neo để đạo Phật đi vào lòng dân tộc, được người dân hướng về, sống theo như một lẽ sống của con người Việt Nam. Điều đó lý giải vì sao, người dân Việt dù chưa quy y nhưng vẫn tin sâu nhân quả, vẫn hướng về Phật, tìm tới chùa mỗi khi có những biến cố, chông chênh, hay đơn giản chỉ để lắng lòng thanh tịnh”, ThS.Lê Trường An chia sẻ.

Nhiều Phật tử trẻ tham gia mạng xã hội đã bắt đầu lập nên các nhóm “Không bỏ đạo, không bỏ chùa”, “Hội những người có niềm tin bất diệt vào Phật pháp” hay “Nhóm những người luôn kính Phật trọng Tăng”…

Tỉnh thức và có chánh niệm khi tham gia mạng xã hội. Đây là lời nhắc nhở không bao giờ cũ, nhất là khi thông tin trên mạng tràn ngập tin giả, tin thiếu kiểm chứng, cắt ghép...

“Tôi rất vui vì rất nhiều người trẻ đã ý thức được sự nguy hiểm của truyền thông không tốt đang nhắm vào Phật giáo. Họ không bỏ chùa chỉ vì vài thông tin chống phá”, thầy Thích Ngộ Trí Dũng, một tu sĩ trẻ đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM bày tỏ. Bằng chứng là, các khóa tu cho Phật tử lớn tuổi hay dành riêng cho Phật tử trẻ vẫn luôn thu hút và đông người tham gia. Trong nhiều buổi pháp thoại ở nhiều khóa tu mùa hè này, Đại đức Thích Ngộ Trí Dũng cho biết, chính Phật tử trẻ cũng đã quan tâm, hiểu biết và có ứng xử phù hợp với các thông tin tiêu cực về Phật giáo thời gian qua.

“Thậm chí, có nhiều Phật tử trẻ còn chia sẻ, bảo thầy đừng buồn khi nghe những lời miệt thị từ những người chống phá, những người không hiểu Phật, không biết gì về Tăng Ni đã quơ đũa cả nắm…”, thầy Ngộ Trí Dũng xúc động nói.

Không sợ hãi, có những lúc im lặng nhưng nhiều khi phải nói như Chánh pháp. Đó chính là thông điệp mà nhiều Phật tử trẻ chia sẻ với phóng viên Giác Ngộ. Nói như Phật tử Tâm Phong: “Lúc này, tinh thần bi-trí-dũng của đạo Phật cần phát huy hơn bao giờ hết. Chúng ta không sợ hãi trước cái xấu, cái ác, ‘tồi tà phụ chánh’ cũng có nghĩa là đang sống theo tinh thần từ bi, trí tuệ mà Đức Phật đã dạy”.

“Không những không bỏ chùa mà còn phải tu học thật tinh tấn, có chánh kiến, chánh ngữ trong phát ngôn trên mạng. Khi nhận diện được ác ma thì ác ma sẽ biến mất”, Phật tử Hoa Liên tâm niệm.

Chánh Quán/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/phat-tu-tre-da-ung-xu-nhu-the-nao-voi-nhung-thong-tin-tieu-cuc-tren-mang-post72391.html