Phát xít Đức từng tới Tây Tạng để tìm hiểu nguồn gốc chủng tộc thượng đẳng
Năm 1938, Heinrich Himmler-thành viên cấp cao của Phát xít Đức đồng thời là kiến trúc sư trưởng của thảm họa diệt chủng Holocaust- đã cử 5 nhân viên đến Tây Tạng. Chưa đầy 1 năm trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, nhóm người Đức đã bí mật đến biên giới phía Đông của Ấn Độ.
Họ đảm nhận nhiệm vụ tìm ra “nguồn gốc chủng tộc Aryan”. Trùm phát xít Adolf Hitler tin rằng chủng tộc người Aryan đã đến Ấn Độ từ 1.500 năm trước đó và “pha trộn dòng máu” với người dân địa phương khiến cho người Aryan không còn “thượng đẳng” so với những người khác trên Trái Đất. Trong khi đó, Himmler tin rằng tiểu lục địa Ấn Độ là nơi đáng để nghiên cứu.
Theo đài BBC (Anh), những người tin vào “chủng tộc thượng đẳng Aryan” cho rằng thành phố Atlantis trong truyền thuyết từng thực sự tồn tại. Theo đó, Atlantis nằm giữa Anh, Bồ Đào Nha tại Đại Tây Dương và đã chìm dưới lòng biển sâu. Nhưng có đồn đại cho rằng những người Aryan còn sống sót đã kịp lánh nạn khỏi Atlantis và họ được cho đến vùng Himalaya, đặt biệt là Tây Tạng, bởi nơi đây là “nóc nhà thế giới”.
Năm 1935, Himmler lập một đơn vị có tên Ahnenerbe-Cục Di sản Di truyền- để tìm hiểu người Aryan đã đặt chân đến đâu sau khi Atlantis chìm. Đến năm 1938, ông ta cử một đội gồm 5 người Đức đến Tây Tạng tham gia “sứ mệnh tìm kiếm”.
Trong đội ngũ này có 2 nhân vật nổi bật. Một người là Ernst Schafer, nhà động vật học 28 tuổi tài năng, từng đến biên giới Ấn Độ - Trung Quốc hai lần trước đó. Schafer đã gia nhập SS –lực lượng an ninh của Đức Quốc xã năm 1933. Schafer ham mê săn bắn và thích thu thập các danh hiệu trong ngôi nhà ở Berlin của mình.
Người thứ hai là Bruno Beger -một nhà nhân chủng học trẻ tuổi gia nhập SS năm 1935. Beger sẽ đo hộp sọ và các chi tiết trên khuôn mặt của người Tây Tạng. Beger cho biết “việc này nhằm thu thập tài liệu về tỷ lệ, nguồn gốc, ý nghĩa và sự phát triển của chủng tộc Bắc Âu trong khu vực này ”.
Con tàu chở 5 người Đức đã cập bến tại Colombia (Sri Lanka) vào đầu tháng 5/1938. Từ đó, họ lên một chuyến tàu khác đến Madras (nay là Chennai) và chuyến thứ ba đến Calcutta (nay là Kolkata).
Giới chức Anh tại Ấn Độ khi đó cảnh giác với những du khách người Đức và cho rằng họ là gián điệp. Ban đầu họ miễn cưỡng cho phép 5 công dân Đức này đi qua Ấn Độ và tờ Times of India thậm chí còn đăng bài viết có tiêu đề: "Đặc vụ cảnh sát mật Đức Quốc xã Gestapo ở Ấn Độ". Quan chức người Anh ở Gangtok, thuộc bang Sikkim (Ấn Độ), vốn là một vương quốc miền núi độc lập vào thời điểm đó, cũng không mặn mà với việc cho phép 5 người đàn ông Đức nhập cảnh Tây Tạng qua Sikkim.
Nhưng cuối cùng, quyết tâm của Đức Quốc xã đã chiến thắng. Đô đốc Anh Barry Domvile là một người bạn của Himmler đã can thiệp cá nhân với Thủ tướng Anh khi đó Neville Chamberlain “bật đèn xanh” cho đoàn thám hiểm của Đức. Vào cuối năm 1938, 5 người tiến vào Tây Tạng cùng cờ chữ Vạn của Đức Quốc xã trên hành lý. Chữ Vạn là một dấu hiệu phổ biến ở Tây Tạng, được người dân địa phương gọi là "yungdrung". Schafer và nhóm nghiên cứu cũng đã nhìn thấy nó rất nhiều trong thời gian ở Ấn Độ. Đối với những người theo đạo Hindu, chữ Vạn từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự may mắn.
Nhóm 5 người Đức được người dân Tây Tạng đối xử khá tốt và Beger thậm chí còn đóng vai trò bác sĩ tạm thời cho người dân địa phương trong một thời gian.
Schafer và nhóm của mình đã dành thêm nhiều thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao dựa trên vỏ bọc nghiên cứu khoa học động vật học và nhân chủng học. Nhưng cuộc thám hiểm của người Đức đột ngột bị cắt ngắn vào tháng 8/1939 bởi chiến tranh.
Beger khi đó đã đo được hộp sọ của 376 người Tây Tạng, chụp 2.000 bức ảnh và thu thập dấu vân tay của 350 người khác. Anh ta cũng thu thập 2.000 "đồ tạo tác dân tộc học", và một thành viên khác trong nhóm đã ghi lại 18.000 mét phim đen trắng và 40.000 bức ảnh. Đội sau đó còn mang về Đức 7.000 mẫu hạt giống của cây hoa dại, ngũ cốc và hệ thực vật khác. Ngày nay, chúng được lưu trữ tại Viện di truyền thực vật Leibniz tại Gatersleben, một thị trấn ở miền Trung nước Đức.
Himmler đã sắp xếp để cả đội bay ra khỏi Calcutta, ông ta thậm chí trực tiếp chào đón những nhà khoa học này khi máy bay của họ hạ cánh xuống Munich (Đức).
Schafer đã mang hầu hết "kho báu" Tây Tạng của mình đến một lâu đài ở Salzburg trong chiến tranh. Nhưng khi Lực lượng Đồng minh đến vào năm 1945, nơi này đã bị đột kích và hầu hết các bức tranh Tây Tạng và các tài liệu khác đã bị hủy hoại. Cái gọi là "kết quả khoa học" khác của cuộc thám hiểm tại Tây Tạng năm nào cũng chịu chung số phận trong chiến tranh: chúng bị mất hoặc bị phá hủy, và nỗi xấu hổ về quá khứ của Đức Quốc xã khiến không ai cố gắng truy tìm tài liệu này sau chiến tranh.