Phẫu thuật cứu bé trai 10 tháng tuổi ngã nhà sàn cao 2m, lún sọ não
Trong lúc chơi đùa, bé trai không may bị ngã từ nhà sàn ở độ cao 2m. Sau đó, bé liên tục quấy khóc, phần đầu bên trái bị sưng nề bất thường, tụ máu dưới da đầu nên gia đình đưa bé vào bệnh viện. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện ca phẫu thuật cứu bé trai 10 tháng tuổi bị ngã bể lún sọ não.
Ngày 4/3, Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, các bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh- sọ não của bệnh viện đã phẫu thuật cấp cứu thành công cho bé trai 10 tháng tuổi bị ngã bể lún sọ não.
Bệnh nhi nói trên là bé trai 10 tháng tuổi (trú tại xã Cư Knia, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
Thông tin từ gia đình cho biết, vào giữa tháng 2/2023 trong lúc chơi đùa, bé trai không may bị ngã từ nhà sàn ở độ cao 2m. Sau đó, bé liên tục quấy khóc, phần đầu bên trái bị sưng nề bất thường, tụ máu dưới da đầu.
Ngay sau đó, gia đình đã chuyển bé đến Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé trai bị chấn thương sọ não lún xương sọ vùng đỉnh trái, có mảnh xương rời nghi ngờ chọc thủng màng não, tụ máu dưới da đầu.
Trước tình hình trên, bệnh nhi nhanh chóng được chỉ định gây mê tĩnh mạch để phẫu thuật chỉnh sửa phần xương sọ vỡ lún.
Ca phẫu thuật do các bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh- sọ não Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh thực hiện. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chỉnh sửa nâng sọ lún và kiểm tra màng não (màng cứng) với một lỗ khoan nhỏ khoảng 10mm.
BS.CKI Đoàn Minh Giám, Phẫu thuật viên của ca mổ cho biết, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi và thành công sau 30 phút. Ngay sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, đến nay sức khỏe ổn định và đã được ra viện.
Nói về những khó khăn trong quá trình phẫu cho bệnh nhi nói trên, bác sĩ Đoàn Minh Giám cho hay: "Bé trai mới 10 tháng tuổi, cơ thể và não bộ còn non nớt nên từ khâu gây mê hồi sức cho đến suốt quá trình thực hiện phẫu thuật phải rất cẩn trọng, thao tác khéo léo và tỉ mỉ”.
Bác sĩ Giám cũng khuyến cáo, tình trạng lún sọ pingpong thường gặp ở trẻ nhũ nhi (trẻ dưới một tuổi). Nguyên nhân thường do tai biến khi sinh, trẻ bị ngã khi tập đứng tập đi hoặc ngã từ trên cao xuống. Vị trí thường bị lún ở hộp sọ là vùng đỉnh đầu. Do đó, phụ huynh cần quan tâm, theo dõi và chăm sóc bé an toàn để đề phòng trẻ ngã và bị chấn thương.
Nếu không may tai nạn xảy ra, gia đình cần theo dõi sát tình trạng ý thức của trẻ và các biểu hiện đau đầu, nôn, quấy khóc…, không nên chủ quan kể cả khi trẻ chưa có triệu chứng cụ thể./.